Theo dõi trên

Bao giờ Biển Lạc lại nhiều cá?

01/07/2016, 08:39

Một thời vang tiếng

BT- ...Một ngày cuối tháng 5 âm lịch năm nay, đứng ở cuối thôn 1 của xã Gia An (Tánh Linh) nhìn ra Biển Lạc, thấy thấp thoáng những chiếc xe máy xúc đang xúc cát xây dựng và đất sét, cung cấp cho các lò gạch trong huyện, anh bạn cùng đi với tôi cho biết là năm nay do nắng hạn kéo dài,  mưa đến muộn, nước trong hồ chưa dâng cao, vì vậy mà mấy chiếc xe nọ  còn xúc cát được chứ mọi năm giờ này Biển Lạc nhìn đâu cũng thấy nước. Nếu nước dâng đầy  thì có tới 800 ha mặt nước. Theo con đường của những xe tải đang chở cát và đất sét, tôi chạy xe ra khá xa khu dân cư thôn 1 thì mới thấy nước của hồ Biển Lạc. Chính vì vậy trước đây Biển Lạc mới nổi  tiếng là nơi lắm cá. Còn bây giờ thì muốn ăn cá đồng  người ta mua cá từ nơi khác đưa về là chính. Một câu chuyện nghịch lý đang diễn ra ở đất Gia An.

                
Nuôi cá tại hồ Biển Lạc.

Mà quả thật vây. Hôm sau đi chợ Gia An đến khu dành cho những người chuyên bán cá các loại, trò chuyện với một chị bán những con cá chép, cá lóc khá to: “Đây là cá nuôi hay cá Biển Lạc?”. “Cá nuôi ở hồ Trị An  đưa về anh à”. Chị tiếp tục mời tôi mua cá, nhưng khi biết tôi không thích nhiều lắm cá nuôi, thì chị chỉ một  chị ngồi ở tận cùng khu bán cá, chậm rãi: “Anh tới cái chị mặc áo xanh dương kia may ra có được”.

Chị mặc áo xanh dương theo như nhiều  người gọi tên là chị Phụng. Chị Phụng và chồng có bàu thả sen bán quanh năm, nhưng mưa về thì vợ chồng tranh thủ bắt cá  đi bán. Cá đồng của chị vì vậy không to lắm, con cá lóc lớn nhất chỉ chừng 300gram/con. Giá khoảng 100.000 đồng/kg, trong khi  giá cá lóc nuôi chỉ 50.000đồng/kg.

Hỏi một cán bộ xã Gia An, tôi được biết hiện nay trong xã có 6 bàu nằm rải rác trong các cánh đồng của xã. Bình quân mỗi bàu có diện tích  khoảng 2 ha.  Ở mỗi bàu, người dân trồng sen và kết hợp nuôi cá đồng.

 Chỉ mong đủ sống

Ngồi nói chuyện với anh Huỳnh Bình (SN 1962) bên bờ sông La Ngà thuộc khu vực xã Gia An, anh cho biết là cha mẹ anh nghèo, nhiều năm sống bằng nghề bắt cá trên hồ Biển Lạc. Khi học xong lớp 6, anh nghỉ học để  phụ cha mẹ. Thế nhưng từ khi rừng nguyên sinh  bao quanh Biển Lạc không còn, và con người đã sử dụng nhiều phương tiện để bắt cho được cá, nên cá tự nhiên giảm dần. Bây giờ để có thể sống được với nghề cá, anh phải chọn giải pháp nuôi cá trên sông La Ngà. Anh đã nuôi cá  trên sông được 3 năm. Nhìn 5 lồng cá của anh nổi trên sông sao mà thấy chênh vênh quá! Những lồng cá ở đây nhỏ hơn những bè cá ở miền Tây Nam bộ khá nhiều. Mỗi lồng dài 2m, rộng 3m, cao 1,7m. Chiếc lồng được thả xuống nước và chỉ để nổi lên khỏi mặt nước khoảng 0,6m và phía trên cũng là nơi nấu ăn và ngủ. 5 lồng đều nuôi duy nhất loại cá chình. Cá chình có thời gian nuôi từ 17 đến 18 tháng là đủ tiêu chuẩn xuất bán. Mỗi con khi ấy nặng khoảng 4 kg, giá bán 450.000 đồng/kg. Mỗi lồng khi xuất bán từ 300 - 400kg cá. Khách hàng là những chủ vựa ở TP. Hồ Chí Minh. Họ mua để bán lại cho các nhà hàng trong thành phố.

Anh Bình chỉ xuống 5 lồng cá dưới sông và anh cho biết, của anh thực ra chỉ có 1 lồng mà thôi. Lúc mới ra nuôi anh thấy quá buồn nên rủ thêm 4 người cùng nuôi cho vui. Thức ăn của cá chình là cá tươi nên chi phí rất lớn, cộng thêm giá cá giống rất cao. Cá giống đưa từ tỉnh Bình Định vào, giá  500.000 đồng/kg, có từ 4 - 5 con/kg. Ngoài thời gian nuôi cá, anh còn thuê 2ha đất ở gần lồng cá để trồng bắp lai. Anh nói với giọng buồn buồn: “Nuôi cá để mong cho đủ ăn là sướng lắm rồi”.

 Thả cá giống

Theo tôi biết, chính quyền xã Gia An luôn trăn trở về chuyện Biển Lạc cá ngày càng ít đi. Năm 2014 xã kêu gọi và được nhà đầu tư ở Bà Rịa – Vũng Tàu nhận nuôi cá ở hồ Biển Lạc. Người nhận thầu phải thả cá giống, tự tổ chức bảo vệ và được độc quyền đánh bắt cá. Mỗi năm doanh nghiệp trả cho ngân sách xã tiền thuê mặt nước là 100 triệu đồng.

Nhưng sau đó nhà đầu tư đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của hơn 200 hộ dân ở thôn 1, chuyên sống bằng nghề đánh cá của nhiều thế hệ trên hồ Biển Lạc. Chưa hết một vụ cá, nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”. Vậy là Biển Lạc trở về với trạng thái như  khi chưa kêu gọi đầu tư.

                
Niềm vui của người nuôi cá khi cá ngày một    lớn.

Anh Lê Văn Hùng (SN 1970) nhà ở gần mép hồ Biển Lạc. Cha mẹ anh từ Quảng Ngãi đi dinh điền vào Tánh Linh từ năm 1958, sống bằng nghề làm ruộng và bắt cá. 10 tuổi,  Hùng  đã theo cha đi đánh cá. Anh nói với tôi là  rất quý và tự hào về Biển Lạc của quê mình. Song chính bản thân anh lại không kiếm sống nổi ở hồ Biển Lạc, phải đi đánh cá ở hồ Sông Dinh là một hồ lớn, nằm giữa xã Suối Kiết của huyện Tánh Linh và xã Tân Phúc của huyện Hàm Tân. Mỗi ngày kiếm được từ 150.000 - 200.000 đồng. Dù có cực, có xa nhà nhưng dù gì cũng đủ nuôi vợ con. Sau những ngày đi đánh cá xa nhà, anh thấy được rằng nếu đánh bắt mãi thì cá có nhiều đến bao nhiêu đi nữa cũng phải hết.

Anh và một số bạn nghĩ ra cách là phải mua cá giống thả xuống Biển Lạc để  chúng sinh sản. Vậy là anh vận động bà con thôn 1 góp tiền mua cá giống. Điểm vận động là một quán cà phê trong thôn. Người ủng hộ 100.000 đồng, người ủng hộ 50.000 đồng. Sau gần 2 tháng, nhóm bạn của anh thu nhận được 4,8 triệu đồng để mua 60kg cá loại nhỏ gồm cá mè, cá chép, cá trắm để thả xuống hồ trong 2 đợt. Đợt đầu ngày 20 tháng 4 âm lịch và đợt hai vào ngày 10 tháng 5 âm lịch. Lúc thả cá, anh có mời 3 xóm trưởng trong thôn và nhiều bà con đến giám sát. Danh sách những người ủng hộ cũng được niêm yết công khai ở quán cà phê. Việc bảo vệ cá trong hồ do anh Hùng và các bạn ở thôn 1 cùng góp công thực hiện.

Anh Hùng nói: “Tiếc là bà con trong thôn còn nghèo quá, nên khó vận động thêm được nữa. Biển Lạc quá to nhưng chỉ thả được 60 kg cá giống thì chẳng thấm vào đâu”. Trên đường trở về tôi nghĩ giá như có tổ chức, cá nhân nào đó ở Tánh Linh biết được điều này thì hãy cùng giúp anh Hùng bằng cách vận động nhiều người cùng chung tay góp tiền hoặc mua cá giống để thả xuống Biển Lạc, hoặc nếu có phóng sanh thì nên đem đến Biển Lạc để thả. Nếu được như vậy, hy vọng  cá ở Biển Lạc sẽ lại nhiều lên.

TRẦN DUỆ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ Biển Lạc lại nhiều cá?