Theo dõi trên

Bao giờ nước sạch về vùng cao Hàm Thuận Bắc?

26/09/2017, 09:12

 BTO- Thiếu nước sạch sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô là trình trạng xảy ra nhiều năm qua ở một số xã vùng cao Hàm Thuận Bắc như Hàm Trí, Thuận Hòa… Do một số nguyên nhân khách quan, đến nay không ít người dân phải bỏ khoảng 200.000 – 300.000 đồng/tháng mua nước.

                
      Người dân thôn Dân Lễ dùng máng hứng nước trời sử dụng

Khổ vì thiếu nước

 Sáng cuối tháng 9, mây giăng đầy trời, Nguyễn Thị Nuôi – một cư dân thôn Dân Lễ (Thuận Hòa), vừa đi vừa kể cho chúng tôi cảnh khổ thiếu nước. Chị than thở: khổ lắm cô ơi, mùa này có mưa còn đỡ, mùa nắng phải đi mua nước, có hôm không mua được phải đi xin hàng xóm. Tổ chức tầm nhìn thế giới Việt Nam (World Vision Viet Nam) – chương trình phát triển vùng Hàm Thuận Bắc có làm cho cái giếng, nhưng nước vôi, phèn đâu có sử dụng được.

Nhìn giếng khơi to chưa ngả màu rêu phong, bởi mới xây dựng những năm gần đây. Nước trong giếng nhìn bằng mắt thường thấy trong vắt, nhưng không sử dụng được. Chị Nuôi nói: nấu cơm bằng nước mưa hoặc nước mua thì cơm trắng, nhưng nấu bằng nước giếng cơm màu vàng. Vào mùa khô khan nước, giá nước tăng cao, nhiều gia đình khó khăn cũng phải sử dụng nước giếng, nếu không lấy đâu ra nước sử dụng.

Ngoài thôn Dân Lễ, một số thôn khác như: thôn Dân Trí, khu Ngã 5 sông Quao của thôn Dân Hòa… không có nước sinh hoạt hoàn toàn, chủ yếu sống bằng nước mưa hoặc nước mua. Anh Nguyễn Phước Lai – gần ngã 5 sông Quao tâm sự: nhiều năm qua người dân ở đây chủ yếu đi mua nước sử dụng vì không có mạch nước ngầm. Một số gia đình đào giếng sâu lên tới 30 – 40 m không có nước. Mùa mưa còn đỡ, mùa khô phải mua nước, mỗi tháng tốn khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Trung bình nhà tôi sử dụng 1 tẹc/1 tuần, (1.000 lít cả ăn, uống, tắm giặt…) hết lại mua tiếp… Nước này cũng tạm ngọt, chủ yếu mua từ một số hộ có giếng sống gần suối,  cách nhà khoảng 3km, anh Lai cho biết thêm.

Không riêng Thuận Hòa, một số xã khác như Hàm Trí… nhiều khu vực chịu chung số phận. Anh Nguyễn Văn Duy – thôn Phú Thái (Hàm Trí) cho biết: nhà xây một bể to hơn chục khối để chứa nước mưa, nếu không lấy đâu ra nước ăn. Nước tắm, giặt… thì bơm từ suối cách nhà khoảng 500m về dùng. Nước suối bây giờ cũng ô nhiễm, nào là xác động vật, phân bón từ ruộng thanh long, bắp, hoa màu chảy xuống….

Chờ đến bao giờ?

Theo phản ánh của người dân, tình trạng thiếu nước sạch đã diễn ra từ nhiều năm qua. Mặc dù, tại hầu hết các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh và kiến nghị với chính quyền địa phương, đại biểu HĐND và ĐBQH về việc mong mỏi có nước sạch, nhưng rồi đâu vẫn đó, nước sạch chả biết đến bao giờ mới về.

                
      Giếng nước do World Vision Viet Nam xây dựng, nhưng nước không    sử dụng được

Về vấn đề này, bà Lê Thị Hòa- Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, thừa nhận, tình trạng thiếu nước sạch ở nhiều nơi đặc biệt Thuận Hòa từ nhiều năm qua là một thực tế đang diễn ra. Bà bày tỏ, nguyện vọng lớn nhất hiện nay của người dân Thuận Hòa nói riêng, mong sớm có nguồn nước sạch. Nhìn cảnh nhiều gia đình đã khó khăn rồi lại phải đi mua nước về sinh hoạt, chúng tôi cũng rất áy náy, nhưng không biết làm sao khi một số cơ quan của xã như Trung tâm y tế phải đi mua nước sử dụng. Rất mong các cấp quan tâm đầu tư hệ thống nước không chỉ cho Thuận Hòa mà cho cả các xã vùng cao chưa có nước sạch, để người dân yên tâm sinh sống.

Trao đổi với Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lý Hữu Phước về vấn đề thiếu nước ở các xã vùng cao Hàm Thuận Bắc, ông cho biết: Hiện nay Ban Quản lý dự án lĩnh vực nước Bình Thuận (thuộc Sở NN&PTNT) đang triển khai thực hiện Dự án lĩnh vực nước Bình Thuận. Dự án có tổng mức đầu tư 17,7 triệu Euro (vốn vay ưu đãi từ Chính phủ Ý 15 triệu Euro, vốn đối ứng trong nước 2,7 triệu Euro). Dự án chia làm 2 hợp phần, trong đó có hợp phần Hệ thống nước sạch công suất 10.000 m3/ngày, phục vụ cho 13/17 xã, thị trấn trên địa bàn Hàm Thuận Bắc. Hợp phần này đang được Ban quản lý hết sức quan tâm. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến khoảng năm 2020 người dân các xã này có nước sạch sinh hoạt.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ nước sạch về vùng cao Hàm Thuận Bắc?