Theo dõi trên

Bệnh tay chân miệng: Nguy cơ tăng nhanh và nguy hiểm

04/10/2018, 09:04 - Lượt đọc: 38

BT- Hiện nay là thời điểm giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh tay chân miệng phát triển mạnh, thì nguy cơ bệnh này sẽ gia tăng trong thời gian tới nếu không kịp thời phòng bệnh. 

                
      
   Phòng bệnh tay chân miệng bằng cách rửa    tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.

Số ca mắc giảm

So với 9 tháng năm 2017,  số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tính từ đầu năm đến nay, giảm 33,8%, tương ứng 661 trường hợp mắc, xuất hiện rải rác, nhưng không có ổ dịch lớn, chưa ghi nhận ca tử vong. Các huyện có số mắc tích lũy cao là Hàm Thuận Bắc (165 ca) và Hàm Thuận Nam (117 ca). Trong đó, trẻ mắc bệnh trong nhóm tuổi từ 1 - 3 chiếm tỷ lệ 85,8%, tại gia đình. Cùng với đó, thời tiết diễn biến bất thường và một số cha mẹ còn chủ quan trong việc phòng bệnh cho trẻ.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, bệnh giảm do từ đầu năm, xác định các điểm nguy cơ, trung tâm xây dựng kế hoạch giám sát, xử lý kịp thời tránh bệnh bùng phát trên diện rộng. Tổng số mẫu bệnh tay chân miệng gửi xét nghiệm là 17 mẫu, chủ yếu các mẫu dương tính với các tuýp vi rút nhẹ như Cox A6, Cox A16; không có tuýp EV71. Đa số các trường hợp nhiễm bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do Enterovirus 71 (EV71) thì có thể có biến chứng nặng và thậm chí dẫn đến tử vong (do viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi...), nếu các biến chứng không được phát hiện sớm để can thiệp kịp thời.

Bác sĩ Hoàng Văn Hùng (Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâmy tế dự phòng tỉnh) nhận định: Bình Thuận là tỉnh nằm giữa các tỉnh có số mắc TCM cao, mật độ lưu thông cao, không tránh khỏi việc mang mầm bệnh. Thêm vào đó, bệnh này lưu hành quanh năm, có xu hướng tăng cao 2 thời điểm (tháng 3 - 5 và 9 - 12). Bởi đây là thời điểm giao mùa rất thuận lợi cho vi rút phát triển mạnh, nguy cơ bệnh gia tăng trong thời gian tới nếu không kịp thời phòng bệnh.

Giữ vệ sinh sạch

Để việc phòng chống bệnh TCM đạt hiệu quả, Trung tâm phối hợp ngành giáo dục xây dựng kế hoạch triển khai xuống huyện, các nhà trẻ, mẫu giáo để tăng cường công tác phòng chống bệnh này; đặc biệt đang tập trung vào năm học mới và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Theo đó, TCM thường lây nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ các trường đảm bảo việc tuyên truyền hướng dẫn trẻ, học sinh rửa tay với xà phòng, thường xuyên sử dụng chất tẩy rửa làm sạch bề mặt sàn, đồ chơi… Nếu xảy ra các ca nhiễm TCM thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày. Các trường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Với cộng đồng, bác sĩ Hùng khuyến cáo không riêng gì trẻ nhỏ, người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ và sau khi vệ sinh cho trẻ. Với trẻ mắc bệnh TCM nhẹ đang điều trị ngoại trú, cha mẹ phải theo sát trẻ để phòng tránh tử vong. Ngoài dấu hiệu bong bóng nước ở bàn tay, bàn chân, sốt nhẹ… nếu trẻ có thêm một trong các dấu hiệu sau (sốt cao; thở bất thường; quấy khóc liên tục, nôn ói nhiều, bỏ bú…), thì có nguy cơ bệnh đang diễn biến xấu, trở nặng, cần đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. 

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh tay chân miệng: Nguy cơ tăng nhanh và nguy hiểm