Theo dõi trên

Bệnh thủy đậu, quai bị gia tăng

26/03/2018, 09:56

BT- Nếu 3 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 66 người mắc bệnh thủy đậu, thì so cùng kỳ năm 2018, số bệnh này tăng 30,3%, tương ứng 86 ca. Đức Linh, Phan Thiết, La Gi là những nơi có số người mắc bệnh cao. Với bệnh quai bị, số ca bệnh tăng mạnh là 88,37% so cùng kỳ 2017, có 81 ca mắc bệnh; tập trung ở Phan Thiết (46 ca), Hàm Thuận Nam (20 ca)... Tuy nhiên, hầu hết bệnh xuất hiện rải rác trong cộng đồng, không xảy ra ổ dịch nhỏ.

                
Đưa trẻ đi tiêm chủng định kỳ là cách phòng    bệnh tốt nhất. Ảnh: Đình Hòa.

Quai bị

Bác sĩ Hoàng Văn Hùng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Quai bị là bệnh lành tính, nhiễm trùng của các tuyến nước bọt, nhưng rất dễ lây. Bệnh quai bị thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, đôi khi cả người lớn; với triệu chứng sưng đau vùng mang tai, hả miệng cảm giác đau, sốt, nổi hạch… Trong trường hợp nặng biến chứng viêm buồng trứng, viêm tinh hoàn không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách gây teo cả hai tinh hoàn,  gây vô sinh. Nếu trẻ không được tiêm ngừa, khi tiếp xúc ngoài cộng đồng sẽ dễ mắc bệnh quai bị.

Để chủ động phòng chống bệnh quai bị, tốt nhất là sử dụng vắc xin “3 trong 1” (Sởi – Rubella – Quai bị). Trẻ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm ngừa. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị. Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đồng thời cách ly khoảng 10 ngày, tránh lây lan cho các người khác…

 Thủy đậu

 Với bệnh thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành, đây là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng. Trong đó, mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da “bội nhiễm”, để lại các vết sẹo lõm trên da về sau và khó hồi phục. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp nên rất khó phòng ngừa và dễ bùng phát thành dịch. Những ai chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh. Biểu hiện của bệnh gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Nhiều người theo cách dân gian là kiêng nước, kiêng tắm đối với người bệnh thủy đậu. Nếu tắm thì tắm nước lá, dẫn đến tình trạng bội nhiễm cho bệnh nhân do không đảm bảo vệ sinh, mụn phồng to điều trị không kịp thời để lại sẹo rất lâu lành - đó là thông tin bác sĩ Hùng cung cấp.

Bác sĩ Hùng đề nghị các bậc phụ huynh có con từ 12 tháng tuổi trở lên cần tiêm vắc xin thủy đậu đúng liều, đúng lịch để phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, trường học… Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm 7-10 ngày kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

    
  

  Thiếu vắc   xin phòng bệnh quai bị

    Theo Trung   tâm Y tế dự phòng tỉnh, tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị  là vắc xin dịch   vụ, người tiêm tự chi trả chi phí. Từ tháng 8/2017 đến nay, trung tâm   thiếu  vắc xin phòng bệnh quai bị nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu cho   bệnh nhân. Nguyên nhân, theo quy trình đấu thầu năm 2017, nhà cung cấp   không cung ứng nguồn vắc xin. Từ tháng 1 -  7/2017, trung tâm sử dụng   nguồn vắc xin còn lại của năm 2016. Dự kiến, tháng 6/2018, nhà cung cấp   sẽ đáp ứng lượng vắc xin cần thiết.

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh thủy đậu, quai bị gia tăng