Theo dõi trên

Các trường hợp xuất viện của Bệnh viện đa khoa tỉnh: Không có yếu tố nguy cơ cao về lây bệnh Covid-19

05/07/2021, 09:41

BT- Sau thông tin “Hàng trăm người chui lỗ, vượt rào trốn khỏi bệnh viện”, “500 người chui lỗ, vượt rào trốn khỏi Bệnh viện đa khoa tỉnh” vào chiều ngày 1/7, dư luận xã hội và nhiều người dân lo lắng sẽ có trường hợp F1, F2 ở cộng đồng và nguy cơ lây bệnh. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ Đinh Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để hiểu rõ hơn về sự phối hợp quản lý các trường hợp xuất viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.

Bác sĩ Đinh Thế Hùng -

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Thưa bác sĩ, ông cho biết rõ sự phối hợp giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện đa khoa tỉnh như thế nào trong việc quản lý các trường hợp người bệnh, người nuôi bệnh xuất viện vào chiều ngày 1/7?

Chiều tối 30/6, Sở Y tế có tổ chức họp trực tuyến 3 bên gồm lãnh đạo Sở Y tế, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (tôi) cùng với Bệnh viện đa khoa tỉnh bàn rất kỹ về nội dung giải tỏa cách ly, cân nhắc đến từng yếu tố dịch tễ, từng người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Thực tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ 1 ca dương tính -  F0 tại Khoa sản, thì những người có yếu tố nguy cơ cao là chỉ có tại Khoa sản. Còn những người ở các khoa khác thì có yếu tố nguy cơ thấp hơn, còn gọi là trường hợp F2. Theo nguyên tắc, kể từ ngày phong tỏa bệnh viện cho đến ngày giải tỏa bệnh viện, người bệnh và người nuôi bệnh nằm lại bệnh viện khoảng 7 ngày. Như vậy các trường hợp này phải được cách ly tại nhà thêm 7 ngày và theo dõi sức khỏe.

Tại cuộc họp, 3 bên đã thống nhất: Ngày 1/7, Bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ cho người nuôi bệnh, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện. Với điều kiện, danh sách các trường hợp này sẽ gửi các các Trung tâm y tế tuyến huyện nắm để phối hợp địa phương giám sát. Người bệnh, người nuôi bệnh khi ra viện phải tiếp tục theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà 7 ngày nữa cho đủ 14 ngày dưới sự giám sát của UBND xã, phường, thị trấn và trạm y tế. Đến ngày thứ 14, chúng tôi sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lại lần cuối.

Bác sĩ cho biết, có yếu tố nguy cơ lây bệnh từ người bệnh, người nuôi bệnh đã xuất viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh?

Trước khi ra viện, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiến hành lấy mẫu toàn bộ nhân viên, người bệnh, người nuôi bệnh để xét nghiệm bằng phương pháp Realtime–PCR. Tất cả đều âm tính với Covid-19, 2 - 3 lần liên tục và hoàn toàn không tiếp xúc với F0, F1; do đó đủ điều kiện để ra viện.

Việc triển khai ra viện có “trục trặc”, một số lượng lớn người cùng xuất viện sẽ không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, Vì vậy, bệnh viện đóng cổng, thì có vài người nôn nóng mới trèo rào để ra ngoài. Ngay sau đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã cung cấp toàn bộ danh sách bệnh nhân, người nuôi bệnh rời khỏi bệnh viện cho Trung tâm Y tế tuyến huyện. Sở Y tế chỉ đạo đến tất cả các trung tâm y tế tuyến huyện căn cứ vào danh sách, địa chỉ để tìm, giám sát lại toàn bộ những người bệnh, người nuôi bệnh. Tất cả các trường hợp này đang cách ly tại nhà. Chúng tôi khẳng định rằng: Những trường hợp này không có yếu tố nguy cơ cao, không gây nguy hại cho cộng đồng trong dịch bệnh Covid-19 này.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

Bác sĩ cho biết rõ các trường hợp F2 cách ly tại nhà khi nào là 14 ngày, khi nào chưa đủ 14 ngày mà vẫn được giải tỏa cách ly?

Tôi lấy ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Văn A - trường hợp F2 báo cáo có tiếp xúc với bà Trần Thị B - F1, trong khi đó bà B có tiếp xúc với bệnh nhân F0. Trong trường hợp, bà B được xét nghiệm bằng phương pháp Realtime - PCR âm tính với Covid-19, thì ông A - F2 sẽ được giải tỏa  cách ly. Đó là những trường hợp F2 mà chúng ta thấy được: Sau khi cách ly được 3 - 5 ngày, thì họ được giải tỏa cách ly.

Tuy nhiên, có những trường hợp F2 vẫn phải thực hiện nghiêm việc cách ly đủ 14 ngày. Bởi F2 đó đi từ các khu vực có dịch trở về tỉnh. Ví dụ: Các trường hợp từ TP. Hồ Chí Minh về tỉnh thì chưa thể gọi họ là F1. Bởi vì họ chưa tiếp xúc với bệnh nhân. Song, họ trở về từ TP Hồ Chí Minh, một khu vực đang bùng phát dịch bệnh Covid-19, có nguy cơ cao. Lúc này, họ được gọi là F2 trở về từ vùng có dịch, thì phải cách ly tại nhà đủ 14 ngày. Bởi họ không có đối tượng F1 cụ thể nào để chứng minh F1 âm tính với Covid-19 mà F2 được giải tỏa cách ly.

Về mặt quản lý cách ly tại nhà, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của xã, phường, thị trấn và trạm y tế phân công trách nhiệm cán bộ theo dõi giám sát việc thực hiện cách ly của các đối tượng này, động viên, nhắc nhở các trường hợp này không được ra khỏi nhà trong thời gian cách ly tại nhà 14 ngày. Để thực hiện tốt chuyện này, tổ giám sát Covid-19 cộng đồng và người dân cùng giám sát, báo cáo cho địa phương về các trường hợp vi phạm để nhắc nhở, thậm chí xử phạt nếu các trường hợp F2 không tuân thủ quy định cách ly tại nhà. Điều quan trọng là ý thức tự giác của mỗi người, ý thực tự giác của các trường hợp F2 này có trách nhiệm thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế. Dẫu rằng sự cách ly tại nhà có hơi một chút khó chịu, nhưng hết sức rất cần thiết để đảm bảo cho công cuộc chống dịch Covid-19 thành công.

Cảm ơn bác sĩ!

Trang Minh (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trường hợp xuất viện của Bệnh viện đa khoa tỉnh: Không có yếu tố nguy cơ cao về lây bệnh Covid-19