Theo dõi trên

Cách chăm sóc, phục hồi cây thanh long sau ngập úng

28/11/2018, 17:18 - Lượt đọc: 258

BTO- Hiện nay một số vùng sản xuất thanh long tập trung của tỉnh như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong….. đang bị ngập do mưa lớn sau ảnh hưởng của cơn bão số 9. Để khắc phục tình trạng trên nhằm hạn chế thiệt hại, bà con nông dân cần làm tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

Nhiều diện tích cây thanh long ở huyện Bắc Bình đang bị ngập chìm trong nước lũ

Tiến hành cải tạo hệ thống mương máng, cống thoát nước và tiêu nước bằng cách khơi thông rãnh thoát nước, không để ngập, úng kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây thanh long và sự phát triển của quả.

Nước ngập lâu làm cho đất bị mềm nhũn chỉ cần một cơn gió sẽ làm cho các trụ thanh long dễ bị đỗ ngã nên cần khẩn trương chằng buộc, sử dụng cọc chống để chống trụ, hạn chế đổ gãy, rụng quả.  Nhất  là những trụ thanh long từ 5 năm trở lên do số lượng cành trên trụ nhiều nên rất nặng dễ bị đổ ngã khi đất bị ngập nước lâu, việc cố định cây trồng ổn định nhằm hạn chế long gốc, hư hại bộ rễ. Sau khi nước rút, cần xới nhẹ để phá váng mặt đất làm cho độ ẩm trong đất giảm giúp đất và gốc cây được thông thoáng, kết hợp cắt bỏ những bộ phận lá, cành đã bị hư hỏng do bị ngập trong nước dài ngày.

Cần kết hợp bón các loại phân vô cơ, các loại phân  lá giàu đạm, lân, vi lượng để cây nhanh chóng phục hồi, hạn chế tối đa việc bón các loại phân hữu cơ vào đất.Việc phun phân bón lá giai đoạn này là rất quan trọng, giúp cây có đủ dưỡng chất để sinh trưởng phát triển, phục hồi bộ rễ, ra nhiều rễ mới để hút dinh dưỡng từ đất.Thu gom dây điện, bóng đèn trên vườn thanh long tránh hiện tượng chập, cháy do rò điện sẽ nguy hiểm đối với tính mạng và hư hao tài sản khi chong đèn trở lại.

Ngập úng gây nên hiện tượng đất bão hòa độ ẩm, hàm lượng oxy trong đất giảm, hàm lượng CO2 và các loại khí độc trong đất đối với cây trồng tăng lên. Điều này đã tác động đến quá trình trao đổi chất của cây trồng và đặc biệt là nhóm cây trồng cạn như thanh long.Tùy theo các giai doạn phát triển của cây thanh long để lựa chọn loại phân bón cho phù hợp, cần kết hợp với các biện pháp phòng trừ dịch bệnh hại tổng hợp đặc biệt là sự xuất hiện của bệnh đốm nâu trên thanh long do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra trên cành và trái thanh long.

Phạm Công Luân-Nguyễn Linh Nhơn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách chăm sóc, phục hồi cây thanh long sau ngập úng