Theo dõi trên

Cần có chế tài quản lý loa di động

14/03/2018, 08:46 - Lượt đọc: 18

BT- Họ hát không ra hát, đọc không ra đọc, toàn sai từ lạc nhịp, gào rú, rên rỉ... Người thì hát nhạc tình ướt át, người ca cải lương, người nhạc đỏ... Cứ như vậy, cả xóm đau đầu!

                
   Loa kẹo kéo đang là nỗi khổ tra tấn âm    thanh nhiều người.

Cả xóm khổ vì một người

Ngày thường, cứ vài hôm người dân sống trên đường Trần Lê lại được nghe “ca nhạc” miễn phí phát ra từ nhà ông H. Ông H rất thích hát karaoke, nhất là những lúc người có men, bất kể lúc nào, 10 giờ sáng, 2 giờ chiều và cả đêm muộn. Bởi cái thói quen đó mà tết nào mấy người hàng xóm của ông H cũng được nghe ca nhạc đủ 4 lần: sáng, trưa, chiều, tối. Không chỉ khổ khi bị “cưỡng ép” nghe hát mà còn bị tra tấn bởi giọng hát của ông. Giọng gì cứ khàn khàn, khô khô nghe rất chói. Hôm nào uống bia rượu nhiều tiếng hát cứ nhừa nhựa, dèo dẹo rất khó chịu. “Ba ngày tết ai cũng mệt, mọi người muốn có một chút yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng ông hát suốt ngày không thể nào ngủ được”, cô Lan - một người hàng xóm nói.

Anh L, nhà ở xã Phong Nẫm, TP.Phan Thiết cũng nằm trong tình trạng bị “vây” bởi âm thanh karaoke. Cứ cuối tuần là mấy nhà hàng xóm xung quanh lại tổ chức hát karaoke. Mà khi hát thì mỗi nhà hát một kiểu. Nhà chú T thường thì mấy người lớn tuổi hát nhạc vàng, nhạc cách mạng. Cách khoảng 10m là nhà anh V có mấy đứa em tuổi mới lớn nên hát toàn những bài nhạc trẻ kiểu như: Không phải dạng vừa đâu… Họ hát không ra hát, đọc không ra đọc, toàn sai từ lạc nhịp, gào rú, rên rỉ... Ngày tết, khi có bia rượu trong người, các “ca sĩ” karaoke lại càng hát to hơn và vặn loa hết cỡ. Còn khán giả hàng xóm “chịu trận” khổ hơn. “Hôm nào cả 2 bên hàng xóm cùng hát là tôi phải đưa đứa con nhỏ qua nhà người thân chơi để cháu có chỗ nghỉ ngơi. Chứ ở nhà quá ồn ào cháu ngủ không được. Ba ngày tết mà, nói không được mà ở lại chịu đựng không xong”, anh L ngao ngán. 

Nỗi khổ mang tên loa kẹo kéo

Mấy tuần nay, người dân sống tại Khu dân cư Văn Thánh liên tục phải chịu tiếng ồn phát ra từ chiếc loa di động của nhóm thanh niên thuê trọ trong khu vực mới. Loa di động mà người dân vẫn quen gọi là loa kẹo kéo mới xuất hiện khoảng 2 năm nay. Loại loa này rất tiện lợi, chỉ cần nạp đầy pin là có thể sử dụng được 3, 4 giờ mà không cần gắn điện trực tiếp. Một tính năng “hút” người dùng của loại loa này là kết nối với điện thoại khá dễ dàng. Nhiều người sử dụng nó như một dàn karaoke. Cũng bởi chức năng này mà nhiều người phải khổ sở vì bị hàng xóm tra tấn âm thanh. Mới 10h sáng, sau một chầu nhậu sương sương, nhóm thanh niên mở loa hát karaoke. Lúc đầu, nhóm này còn hát đúng lời bài hát, sau một lúc, rượu bia làm méo giọng hát như cọp nhai đậu phộng. Hát chán, nhóm này mở nhạc dance, remix ra nhảy, múa hát. “Họ hát toàn những bài gì mà nhạc cứ đập thùng thùng. Đã vậy, cuộc vui của nhóm kéo dài từ 10h cho đến 16h. Ngày nào cũng như ngày nấy. Xóm trọ thì kín mít, nóng nực cộng với màn tra tấn âm thanh nữa thật là chịu không nỗi”, chị Hòa cho biết. Cùng chung nổi khổ loa kẹo kéo, nhưng chú Tuấn, nhà trên đường Hùng Vương phải nhờ đến sự can thiệp của Công an phường thì nhóm thanh niên mới chịu dừng cuộc vui. “Đối diện nhà tôi có một lô đất người ta chưa xây dựng, kế bên có một quán nhậu. Vậy là cứ khoảng 22h đêm, một nhóm thanh niên mang bàn ra khu đất đó nhậu rồi dùng loa kẹo kéo hát. Lúc đầu dễ nghe chút, về sau họ hát như gào thét. Đêm nào nhóm thanh niên cũng hát đến khoảng 1h sáng mới thôi. Tôi phải gọi cho lực lượng Công an phường thì nhóm này mới chịu giải tán”, chú Tuấn cho biết.

Loa di động hiện nay đang ngày càng phổ biến. Nhưng tình trạng sử dụng một cách tự phát đã biến loa kẹo kéo từ một phương tiện giải trí thành “nỗi ám ảnh” của người dân xung quanh. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và diễn ra ở khắp nơi nhưng chưa được ngành chức năng giải quyết dứt điểm. Câu hỏi khi nào chấm dứt hiện tượng này vẫn còn bỏ ngỏ.

    
  

    Điều 12, Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý   vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định về việc xử   phạt vi phạm các quy định về tiếng ồn như sau:

  

  1.   Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu   chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 1,5 lần trong khoảng thời   gian từ 6 giờ đến 22 giờ.

  

  2.   Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu   chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 1,5 lần trong khoảng thời   gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.

  

  3.   Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu   chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng   thời gian từ 6 giờ đến trước 22 giờ.

    4.   Phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt tiêu   chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 1,5 lần trở lên trong khoảng   thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. 

Mai Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có chế tài quản lý loa di động