Theo dõi trên

Cần quy hoạch cơ sở nuôi yến để tránh gây ô nhiễm

27/03/2018, 08:43 - Lượt đọc: 35

BT- Tại địa bàn thành phố Phan Thiết hiện có hàng chục cơ sở dẫn dụ, nuôi chim yến trong khu dân cư. Tiếng kêu từ máy để dẫn dụ chim yến đã gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường, nhưng địa phương không có cơ sở pháp lý để quản lý. Cuối năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – PTNT) hướng dẫn cụ thể về quy định nuôi chim yến để áp dụng trên địa bàn Bình Thuận. Nhưng đến nay vẫn chưa được Cục Chăn nuôi có văn bản hướng dẫn. Tại hội thảo về công tác quản lý chim yến tại Nha Trang (Khánh Hòa) từ giữa năm 2017, Cục Chăn nuôi cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện 2 phương án để quản lý cơ sở nuôi chim yến có hiệu quả, đó là: Bổ sung một số điều kiện đối với cơ sở dẫn dụ, gây nuôi chim yến vào Nghị định số 66/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, nuôi động vật thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm. Trong đó, quy định...

                
   Nuôi chim yến trong khu dân cư.

Đối với địa bàn Bình Thuận từ năm 2017 đến nay nhu cầu người dân nuôi chim yến ngày càng lớn, nhiều hộ xây thêm tầng bằng bê tông, che chắn bằng tôn tại ngôi nhà đang ở hoặc làm cơ sở riêng để nuôi chim yến. Có nhiều hộ xây dựng cơ sở dẫn dụ, gây nuôi chim yến tại khu vực dân cư còn trống. Trong quá trình nuôi hàng ngày từ sáng sớm chủ cơ sở mở máy (tiếng kêu của chim yến) để dẫn dụ yến tự nhiên đang gây bức xúc trong nhiều khu vực dân cư. Ông Nguyễn Long, ngụ khu phố 5, phường Phú Thủy bức xúc: “Người dân trong khu dân cư đã kiến nghị nhiều lần về tình trạng nuôi chim yến nơi đông dân cư gây ô nhiễm tiếng ồn, nhưng cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý…”.

Trước thực trạng trên, gần đây Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý tạm thời đối với hoạt động nuôi chim yến để khắc phục điều kiện vệ sinh thú y và tiếng ồn. Trong đó, tập trung 4 biện pháp chính, đó là: Nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng quy định ít nhất 1 lần/tuần. Trong trường hợp chống dịch thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp như: Ủ, đốt, chôn lấp… nhằm bảo đảm an toàn trước khi đưa ra môi trường. Thực hiện quy định giám sát về sức khỏe, xử lý dịch bệnh. Các cơ sở nuôi yến phải thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của đàn chim yến. Nếu có hiện tượng chim chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời. Cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền. Trong trường hợp có dịch bệnh, cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y. Trong thời gian có dịch, tất cả tổ yến được khai thác từ những địa phương đã công bố dịch phải được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y trước khi tiêu thụ. Đối với tiếng ồn phải quản lý thiết bị âm thanh dẫn dụ bảo đảm không vượt quá 70 de-xi-ben.

Theo quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó định hướng phát triển các loại vật nuôi chính có giá trị kinh tế, nhưng không có chim yến. Do vậy, trong khi chờ đợi cấp trên ban hành quy định về điều kiện nuôi chim yến thì Sở Nông nghiệp – PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về điều kiện nuôi chim yến trên địa bàn Bình Thuận.

Từ thực tế trên cho thấy: Nuôi chim yến trong khu dân cư như hiện nay đang gây mất vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường do tiếng ồn từ máy dẫn dụ chim yến mở quá lớn… Vì vậy, cần thiết phải xây dựng quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung.

HỒ NHẬT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần quy hoạch cơ sở nuôi yến để tránh gây ô nhiễm