Theo dõi trên

Cẩn thận bệnh sán chó

29/11/2017, 09:30

BT- Chó, mèo là vật nuôi thân thiết với nhiều người, tuy nhiên ngoài là vật nuôi trung gian lan truyền bệnh dại, vật nuôi này cũng là nguồn lây nhiễm giun đũa chó cho nhiều người nhưng ít ai để ý.

Cầm trên tay phiếu xét nghiệm dương tính với ký sinh trùng giun đũa chó (sán chó) của Bệnh viện Da liễu Bình Thuận, chị T.T.V (ngụ Phú Thủy – TP.Phan Thiết) không khỏi ngỡ ngàng. Với các triệu chứng ban đầu là ngứa, da nổi mẩn liên tục nên chị đến Bệnh viện Da liễu để khám và điều trị. Tại đây các bác sĩ đã yêu cầu chị xét nghiệm một số loại ký sinh trùng để tìm nguyên nhân. Kết quả chị bị nhiễm sán chó – một loại ký sinh trùng thường ký sinh trên vật nuôi như chó, mèo và một số động vật gặm nhấm, động vật có vú khác.

Bác sĩ Lê Huỳnh Phúc – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Bình Thuận cho biết: Hiện nay tỷ lệ nhiễm giun sán chó, mèo trong dân số rất cao. Tác nhân gây bệnh là toxocara canis hay toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Đặc biệt những loại thuốc sổ giun uống một liều dự phòng thông thường không diệt được chúng. Ở ký chủ vĩnh viễn (chó hay mèo nhà), giun trưởng thành sống trong lòng ruột non, sau đó đẻ trứng. Trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát - nơi phát tán trứng giun khi chó mèo phóng uế bừa bãi. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Chúng sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm, gây tổn thương ở những phần cơ thể chúng đi qua.

Ngoài ra, theo bác sĩ Phúc, dấu hiệu nhiễm giun đũa chó đa phần rất mơ hồ, thường chỉ có ở giai đoạn sau khi ấu trùng đã vào máu và di chuyển khắp cơ thể. Một số dấu hiệu lúc này là ngứa da, nổi mẩn, mề đay ở tay, chân, lưng, bụng, có nguời phù mặt và mí mắt. Đa số bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng gì, chỉ được phát hiện khi xét nghiệm ký sinh trùng. Do đó, mọi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, hạn chế thấp nhất việc nhiễm giun sán, bằng cách thường xuyên vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực có phân chó, sân vườn nhà và khu vui chơi của trẻ em. Rửa tay trước khi chuẩn bị nấu ăn hoặc khi ăn. Rau sống phải rửa thật sạch hoặc ngâm nước muối, thuốc sát trùng theo quy định. Không cho trẻ em chơi với chó, nhất là chó con để tránh trẻ nuốt bụi đất có chứa ấu trùng. Nếu gia đình có nuôi chó, nên cần tẩy giun định kỳ cho chó…

A.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn thận bệnh sán chó