Theo dõi trên

“Căng mình” phòng chống bệnh sốt xuất huyết

09/08/2019, 07:58

BT- 2 tuần trở lại đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng bùng phát và gia tăng mạnh tại huyện Hàm Tân và Phú Quý.

                
Bệnh nhân đang điều trị SXH tại Khoa nhiễm    (Trung tâm Y tế Hàm Tân).

 Tại Hàm Tân, toàn huyện ghi nhận 222 ca mắc SXH và 25 ổ dịch, tính từ đầu năm đến nay. Số ca mắc tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2018 (22 ca).  Thị trấn Tân Minh, xã Tân Phúc và thị trấn Tân Nghĩa là những nơi có số mắc và số ổ dịch tăng cao. Riêng khoa nhi và khoa nhiễm tại Trung tâm Y tế Hàm Tân đang điều trị nội trú cho 45 ca SXH (30 người lớn và 15 trẻ em). Bên cạnh đó, Phòng khám đa khoa khu vực Tân Minh và Tân Phúc đang điều trị 35 ca SXH; chưa kể số bệnh nhân vượt tuyến đến Bệnh viện La Gi và Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Quân (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hàm Tân) cho biết: Số bệnh nhân đang điều trị nội trú không có ca nặng, nhờ chủ động của người bệnh đến với cơ sở y tế sớm và sự chẩn đoán chính xác kịp thời của bác sĩ. Tuy nhiên, bác sĩ Quân nhận định: “Nguy cơ SXH sẽ lan nhanh ra các thôn, xã khác trong huyện tại thời điểm này và trong thời gian tới. Cụ thể, thôn 4, xã Sơn Mỹ giáp ranh với xã Tân Phước (La Gi) nơi có ổ dịch cũ; thôn Đá Mài 1 của xã Tân Xuân”.

Tại huyện đảo Phú Quý, 6 tháng đầu năm ghi nhận chỉ 2 ca mắc. Mới đây, Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý tiếp nhận 3 trường hợp SXH thuộc thôn Quý Thạnh (xã Ngũ Phụng), Mỹ Khê (xã Tam Thanh). Như vậy, nâng tổng số ca mắc tại huyện đảo là 5 ca, so các năm trước Phú Quý không ghi nhận ca mắc SXH. Ngay sau đó, trung tâm này thực hiện phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm dân cư có người bệnh ; đồng thời tuyên truyền các gia đình cùng phối hợp nhằm cắt đứt nguồn lây lan SXH trong cộng đồng.

Khoa nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh, tính đến nay đã tiếp nhận 231 ca SXH từ các huyện lân cận; trong đó có 6 ca sốc nặng. Riêng tuần thứ 4 của tháng 7, là 30 ca. Trong 2 tuần gần đây, tỷ lệ mắc bệnh SXH ở trẻ em và người lớn đều tăng nhanh, không tránh khỏi tạo áp lực cho khoa nhi và khoa nhiễm.

Theo các trung tâm y tế tuyến huyện, nguyên nhân là do môi trường quanh nhà không vệ sinh sạch, nhiều nước ứ đọng, dụng cụ chứa nước không đậy kín và nhiều lăng quăng. Từ tháng 4, trung tâm phối hợp trạm y tế xã khởi động tuyên truyền diệt lăng quăng, phun thuốc diện rộng ở ổ dịch. Diệt lăng quăng và phun thuốc cách 7 ngày sau quay lại, mật độ muỗi, lăng quăng vẫn nhiều trong các vật dụng. Điều đó cho thấy người dân chưa tự giác diệt lăng quăng. Sự nỗ lực diệt lăng quăng để phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế chỉ là phần ngọn, nếu các hội, đoàn thể và người dân không chung tay triển khai các biện pháp ở phần gốc là vệ sinh môi trường, chủ động diệt lăng quăng, thì tình hình bệnh SXH tiếp tục tăng và lây lan, khó có thể kiểm soát bệnh. Bên cạnh đó, xã hội hóa công tác phòng chống SXH cũng không kém phần quan trọng. Người dân tự phun thuốc trừ muỗi trong nhà và quanh nhà (70.000 - 80.000 đồng/lọ), tác dụng tồn lưu của thuốc kéo dài 3 tháng với điều kiện làm sạch lăng quăng.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Căng mình” phòng chống bệnh sốt xuất huyết