Theo dõi trên

Cảnh báo mất an toàn trong xây dựng nhà ở riêng lẻ

10/08/2020, 10:16 - Lượt đọc: 108

BT- Hoạt động xây dựng, đặc biệt là xây dựng nhà ở riêng lẻ luôn duy trì ở tốc độ cao, song cũng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Trên thực tế, đã có rất có nhiều vụ tai nạn lao động gây chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Hơn lúc nào hết việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động cho người lao động ở các công trình xây dựng, đặc biệt là xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh là một trong những việc làm cần thiết.

                
      Một trong những công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ.

  Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mới đây, vào ngày 31/7 tại Hà Nội, vụ sập giàn giáo ở một ngôi nhà đang thi công đã khiến 4 lao động tử vong. Hay trước đó vào tháng 9/2019 tại thôn Thắng Lợi, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc cũng đã xảy ra tai nạn lao động khi toàn bộ sàn lầu 1 của ngôi nhà bị đổ sập đè trúng ông Lê Xuân Thủy (52 tuổi) là công nhân xây dựng công trình khiến người này thiệt mạng. Những vụ việc tai nạn thương tâm trên xảy ra chủ yếu trong thi công các công trình nhà ở riêng lẻ.

Thời điểm này, TP. Phan Thiết có khá nhiều công trình nhà ở riêng lẻ đang được xây dựng. Trên các tuyến đường Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt… có nhiều nhà xây từ 3 - 4 tầng, chiều cao khoảng 15 - 20m. Thế nhưng qua ghi nhận, người lao động ở những công trình này lại làm việc trong một môi trường thiếu các biện pháp bảo hộ lao động như không có mũ bảo hộ, không có lan can an toàn, xung quanh khu vực xây dựng không được rào chắn…

Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, nhưng theo anh T. V. T một chủ thầu xây dựng chuyên xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP. Phan Thiết cho biết: Đội thợ xây của anh có hơn 10 người, phần lớn lao động học nghề theo dạng “cầm tay chỉ việc” và làm theo kinh nghiệm. Do đó, hầu hết các lao động không đòi hỏi chủ thầu phải trang bị đồ bảo hộ. Anh T cũng cho biết thêm: “Mặc dù làm trong ngành xây dựng đã nhiều năm và làm rất nhiều công trình nhà ở riêng lẻ nhưng chưa thấy đoàn nào đến kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động. Các đoàn của phường, thành phố có đến cũng chỉ làm việc với chủ nhà về việc có hay không thiết kế kỹ thuật, giấy phép xây dựng”.

Sinh sống kề bên một công trình đang xây dựng nhà ở, ông Nguyễn Ngọc Minh, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết chia sẻ: “Tòa nhà cao 4 tầng, thế nhưng nhìn những thợ xây đứng cheo leo trên giàn giáo, không có dây bảo hộ nhiều khi tôi muốn thót tim. Nếu không may bị trượt chân thì những lao động này sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.

 Cần tăng cường các biện pháp

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Thuận, năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn lao động làm 4 người chết. Từ đầu năm 2020 đến nay, xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng. Số người chết do tai nạn lao động trong hoạt động xây dựng luôn cao hơn các lĩnh vực, ngành, nghề khác. Tuy nhiên, những con số này chỉ được ghi nhận ở những công trình lớn do doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp dân doanh quản lý. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động là do phía người sử dụng lao động không bảo đảm an toàn; không huấn luyện hoặc có huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, nhưng không đầy đủ; không có quy trình, biện pháp an toàn lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động không đầy đủ. Còn phía người lao động là do vi phạm quy trình, biện pháp an toàn lao động; không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân…

Để giảm thiểu tối đa tình trạng gây mất ATLĐ, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan, các doanh nghiệp tiến hành thực hiện 50 cuộc tự kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); rà soát phát hiện các nguy cơ rủi ro, bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn.

Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết, hiện nay để các đơn vị thi công có căn cứ thực hiện các biện pháp an toàn, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 18: 2014/BXD) kèm Thông tư số 14/2014 của Bộ Xây dựng. Theo đó, các hoạt động xây dựng đều có quy chuẩn về phương tiện bảo hộ, vật liệu, khoảng cách, kể cả người làm việc tại một số môi trường đặc biệt cũng buộc phải được đào tạo để đảm bảo an toàn. Với vai trò, chức năng của mình, Sở Xây dựng sẽ tăng cường chỉ đạo các phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc quyền quản lý chủ trì kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động đối với các công trình xây dựng thuộc địa bàn quản lý.

Thiết nghĩ, việc quản lý ATVSLĐ ở các công trình nhà ở riêng lẻ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc nâng cao nhận thức cho chủ thầu và người lao động ở các công trình cần được đẩy mạnh. Để làm được điều này, trước hết phụ thuộc vào việc phân cấp, phân quyền, hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSLĐ ở những công trình xây dựng.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo mất an toàn trong xây dựng nhà ở riêng lẻ