Theo dõi trên

Cảnh giác nguy cơ cháy từ việc thờ cúng

07/02/2018, 09:05

BT- Tết luôn là thời điểm dễ xảy ra cháy nổ. Theo dự báo, nguy cơ cháy nổ và thiệt hại do cháy gây ra sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chú trọng hơn nữa công tác phòng ngừa…

                
Hiện trường vụ cháy nhà trên đường Nguyễn    Huệ, phường Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh mà tết cũng là thời điểm các hoạt động tín ngưỡng gia tăng, kèm theo đó là việc sử dụng liên tục các loại nhang đèn, thiết bị điện và nhiều loại giấy cùng để trên bàn thờ... rất dễ dẫn đến cháy. Trên thực tế, toàn quốc đã ghi nhận nhiều vụ cháy xuất phát từ thờ, cúng, gây thiệt hại nghiêm trọng do người dân chủ quan. Ngày 28/1/2017 (tức mùng 1 Tết Đinh Dậu), tại căn nhà 213 ở khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa (TP. Hà Nội) đã xảy ra hỏa hoạn khiến toàn bộ căn nhà trên bị thiêu rụi. Nguyên nhân cháy được cơ quan chức năng xác định do chủ nhà thắp nến trên bàn thờ, sau đó du xuân mà quên tắt. Ngày 13/10/2017, một ngôi nhà trên đường Nguyễn Huệ, thuộc phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết cũng bất ngờ bốc cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng; nguyên nhân do chập điện tại bóng đèn bàn thờ.

Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: Hiện nay, bàn thờ thường có hệ thống điện để thắp sáng và trang trí, nhưng các dây điện thường nhỏ, vỏ cách điện mỏng, các mối nối không chặt nên rất dễ bị nóng gây chạm, chập điện dẫn đến cháy bàn thờ, cháy nhà. Trong khi đó, không ít người dân lại có thói quen để nhiều vật liệu dễ cháy trên bàn thờ như: các loại giấy, nhựa, diêm, hộp quẹt...) gây mất an toàn phòng cháy rất lớn. Vì vậy, mỗi người dân phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện gia đình, khi phát hiện mối nối không chặt, không bọc cách điện phải thay thế ngay. Khi đấu nối điện vào bàn thờ phải qua cầu chì và công tắc đóng ngắt, khi thắp nhang thờ cúng xong phải ngắt điện ngay.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong gia đình, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng: Người dân không nên để đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy trong nhà. Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ tiêu thụ xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy phải để nơi cách xa nguồn nhiệt; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao. Khi đốt vàng mã phải có người trông coi, có che chắn để không cháy lan, tránh bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan; khi ra khỏi nhà phải tắt các thiết bị điện không cần thiết, đóng van bình gas. Khi sử dụng bàn ủi, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già, người mắt kém, người tàn tật, bị tâm thần sử dụng thiết bị điện, lửa trần.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác nguy cơ cháy từ việc thờ cúng