Theo dõi trên

Cấp bách chống hạn phía nam tỉnh

05/01/2021, 11:15

BT- Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, mùa khô 2021 tình hình nắng hạn sẽ diễn biến phức tạp. Nếu trong thời gian tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài thì hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng. Hậu quả, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của nhân dân, nhất là các huyện phía nam tỉnh. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Ông có thể cho biết tổng quát về tình hình nguồn nước đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh?

Đến ngày 31/12/2020, tổng lượng nước trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh là 213,794  triệu m3/255,025 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 82,90%; lượng nước trữ tại hồ thủy điện Đại Ninh 250,88 triệu m3/251,73 triệu m3; hồ thủy điện Hàm Thuận 422,09 triệu m3/522,50 triệu m3. Trong đó, các hồ chứa thủy lợi ở phía bắc tỉnh như Phan Dũng, Lòng Sông, Đá Bạc, Cà Giây, Sông Quao có dung tích trữ đạt 100% theo dung tích thiết kế, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất đông xuân 2020 - 2021 theo kế hoạch.

Tuy nhiên, các hồ phía nam tỉnh tích nước đạt thấp so với dung tích thiết kế, gồm hồ Sông Móng dung tích hữu ích 17,23 triệu m3/34,17 triệu m3, đạt 50,43%;  hồ Ba Bàu 5,44 triệu m3/6,28 triệu m3, đạt 86,6%; hồ Tân Lập 0,39 triệu m3, đạt 38,52%; hồ Núi Đất (thị xã La Gi) 3,99 triệu m3/7,9 triệu m3, đạt 50,54%… Lượng nước này chỉ ưu tiên cấp nước phục vụ cho sinh hoạt, còn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp không đảm bảo theo kế hoạch của UBND tỉnh giao. Riêng hồ thủy điện Hàm Thuận tích nước đạt 84,53%  dung tích thiết kế, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất đông xuân 2020 - 2021 cho nhân dân 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh theo kế hoạch sản xuất.

Thời điểm này, mặc dù mới đầu mùa khô, nhưng một số địa phương phía nam tỉnh, nhất là huyện Hàm Thuận Nam đang xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất nghiêm trọng. Ông có thể nói rõ về thực trạng này?

Năm 2020, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi lượng mưa rất thấp, nên một số hồ thủy lợi không tích đủ nước. Đặc biệt, tại hồ Sông Móng, lượng nước tích trữ tại hồ chỉ đạt 50,43%. Trong khi đó, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước tích trữ tại hồ này. Những năm qua, mặc dù các hồ chứa khu vực này tích đầy nước, nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất của người dân ngày càng tăng, nhất là diện tích thanh long tăng nhanh. Vì vậy, mùa khô năm 2021, tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam sẽ rất nghiêm trọng.

ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán trong mùa khô năm 2021 có thể xảy ra trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và một số huyện phía nam nói chung, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Trước tình hình hạn hán cấp bách trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch “Phòng chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp mùa khô năm 2021 trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán mùa khô năm 2021. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt đã có buổi làm việc với UBND huyện Hàm Thuận Nam để thống nhất các giải pháp chống hạn, trong đó sở thống nhất lịch điều tiết nước phục vụ sản xuất với phương án 2 của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đưa ra là không bố trí sản xuất lúa và giãn phiên tưới thanh long.

Cụ thể, hồ Ba Bàu cấp nước 1 phiên toàn bộ diện tích, dự kiến bắt đầu cấp nước phục vụ sản xuất từ ngày 4/1/2021, kết thúc tưới đến ngày 31/3/2021 và cấp nước sinh hoạt đến ngày 30/6/2021.  Hồ Đu Đủ cấp nước 2 phiên, kết thúc tưới ngày 28/2; hồ Tân Lập cấp nước tưới 6 phiên, kết thúc tưới ngày 26/4, sau đó ngưng cấp nước phục vụ sản xuất và giữ nước khu vực lòng hồ Tân Lập để đảm bảo cấp nước sinh hoạt đến 30/6. Riêng hồ Tà Mon cấp nước tưới 5 phiên, kết thúc tưới ngày 12/3 và hệ thống hồ Sông Phan cấp nước tưới 1 phiên, kết thúc tưới ngày 19/2, cấp nước sinh hoạt đến 30/6. Quá trình thực hiện tùy theo điều kiện thời tiết và nguồn nước thực tế, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, sở cũng đề nghị huyện Hàm Thuận Nam sớm thành lập Ban chỉ đạo chống hạn cấp huyện, xã; xây dựng kế hoạch phòng chống hạn mùa khô năm 2021, cụ thể hóa kế hoạch của UBND tỉnh. Mặt khác, phân công lực lượng phối hợp với các đơn vị cung cấp nước bảo vệ nguồn nước, chỉ đạo các xã củng cố thành lập các tổ thủy nông nội đồng, nạo vét kênh mương nội đồng, chủ động đắp đập ngăn sông suối, đào ao trữ nước. Song song, khuyến cáo người dân sử dụng nước hết sức tiết kiệm, không đào phá kênh, cống lấy nước, tự ý điều tiết lấy nước, tranh chấp nguồn nước, không lấy nước sinh hoạt tưới cây. Đặc biệt, người dân không tự ý tổ chức sản xuất, không chong đèn trái vụ trên cây thanh long tại các khu vực không chủ động được nguồn nước. Bên cạnh đó, cần chủ động đào ao, xây bể, mua bồn trữ nước, đi đôi với sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm, hiệu quả, áp dụng phương pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tủ rơm cho gốc cây thanh long…

Xin cảm ơn ông!

Kiều Hằng(thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấp bách chống hạn phía nam tỉnh