Theo dõi trên

Cấp bách… chống hạn

24/12/2019, 09:25 - Lượt đọc: 48

BT- Dù mới đầu mùa hạn hán, nhưng ngành thủy lợi và các địa phương đã nhanh chóng triển khai, ra chỉ thị, khuyến cáo rộng rãi đến nhân dân về nguy cơ thiếu nước.

                
Chống hạn đang là vấn đề cấp bách.

 Không tự ý sản xuất ngoài kế hoạch

 Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa từ nay đến cuối năm 2019 ở các khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 1 -  3/2020 trên cả nước, lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, tháng 4/2020 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25%. Tại Bình Thuận, hơn lúc nào hết, công tác phòng chống hạn trở thành vấn đề cấp bách của tất cả các ngành, địa phương.

Thời điểm này, các huyện Đức Linh, Hàm Thuận Bắc đã chủ động ra chỉ thị phòng chống hạn hán, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu nước gây ra. Trong đó, huyện Đức Linh đang khuyến khích người dân lựa chọn canh tác các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, sử dụng ít nước tưới. Qua đó, nhằm tăng hiệu quả phòng chống hạn, thiếu nước có thể xảy ra vào giữa và cuối vụ đông xuân. Riêng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cũng nhanh chóng yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát cụ thể diện tích sản xuất vụ mùa 2019 còn lại trên từng địa bàn. Qua đó, xây dựng kế hoạch cấp nước chi tiết và quản lý, điều phối nguồn nước một cách hợp lý, thật sự tiết kiệm và tránh lãng phí.

Ông Nguyễn Hữu Huệ - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh nhấn mạnh: Những vùng có diện tích sản xuất vụ mùa 2019 không đồng bộ, cần có biện pháp quản lý nước các phiên tưới cuối vụ, không để xảy ra việc lấy nước sản xuất ngoài kế hoạch đối với diện tích đã thu hoạch trước đó. Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân biết tình hình hạn hán mùa khô, nhằm tăng cường ý thức tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, nhân dân không tự ý sản xuất ngoài kế hoạch để hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế.

Cấp nước theo thứ tự ưu tiên

Theo chỉ đạo chung của Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích bố trí sản xuất phải tập trung, đầu nguồn, thuận lợi cho việc cung cấp nước, không được phân bố diện tích sản xuất lúa dàn trải gây thất thoát nước. Đặc biệt, không để xảy ra việc sản xuất ngoài kế hoạch. Đối với những công trình độc lập như các đập miền núi, các hệ thống nước gió, nước nhỉ, các chi nhánh thủy lợi cần kiểm tra nguồn nước để bố trí lại diện tích sản xuất phù hợp. Xây dựng kế hoạch cấp nước từ các hệ thống công trình thủy lợi, sắp xếp thứ tự ưu tiên nước sinh hoạt, chăn nuôi, nông nghiệp, phân lịch phiên cấp nước cho từng tuyến kênh. Áp dụng phương pháp cấp nước tưới luân phiên trong các hệ thống công trình thủy lợi. Đối với những vùng không bố trí sản xuất lúa đông xuân, cần có biện pháp quản lý nước chặt chẽ, tránh thất thoát lãng phí nước. Các trạm quản lý đầu mối quản lý các nguồn nước, điều phối hợp lý với mục tiêu đảm bảo sử dụng triệt để nguồn nước xả sau các nhà máy thủy điện, có biện pháp trữ nước vào các công trình thủy lợi như hồ chứa, ao bàu, đập dâng, kênh chuyển nước lưu vực. Kiểm tra và có phương án đề xuất địa phương củng cố các tổ thủy nông nội đồng, chỉ đạo nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng. Xây dựng lịch luân phiên tưới cho từng tuyến kênh nội đồng và phối hợp với các Chi nhánh quản lý điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm tránh lãng phí.

    
      Tính đến giữa tháng 12/2019, tổng dung tích hữu ích tích được tại các hồ   chứa thủy lợi của tỉnh và 2 hồ chứa thủy điện 773,88 triệu m3/1.033,6   triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 74,87 % (thấp hơn cùng kỳ năm   2018 là 111,41 triệu m3). Tổng diện tích cây trồng nông nghiệp sử dụng   nguồn nước thủy lợi, thủy điện của vụ đông xuân năm 2019 - 2020 là   36.514 ha, trong đó thanh long 19.791 ha; nuôi trồng thủy sản 442 ha.   Lúa, màu 17.429 ha/32.859 ha KH, đạt 53,04 % so kế hoạch được UBND tỉnh   giao.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấp bách… chống hạn