Theo dõi trên

Cuộc sống & thời trang: Áo dài của Ánh Huyền  

16/03/2018, 08:46

BTO - Giờ thì Bùi Nhật Ánh Huyền ở khu phố 3, phường Phước Lộc (thị xã La Gi) có thể tự hào  nói rằng: “Nghề may áo dài của mình không đến nỗi nào,  có chút thành công nho nhỏ!”. 

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, chị Ánh Huyền nói: “Năm nay tôi 42 tuổi nhưng đã có 27 năm may áo dài”. Học xong lớp 9, mẹ bệnh nên Huyền ở nhà chăm sóc mẹ. Rồi chị đi học may để có một cái nghề nuôi bản thân và gia đình sau này. Ánh Huyền nhớ lại bộ áo dài đầu tiên mình may là cho người chị họ. Có một chút hồi hộp khi người chị  thử áo, nhưng rồi niềm vui ập đến  bởi  bộ áo ấy vừa vặn cũng như làm tôn vóc dáng của người mặc. Thế là từ đó, Ánh Huyền mạnh dạn nhận may đồ cho khách.

         

Khách đến với tiệm của Ánh Huyền  chủ yếu là bà con quanh vùng và giáo viên. Chị nói: “May áo dài  cần  sự cẩn thận, kỹ càng trong việc đo, cắt, ráp, may… Cuộc sống ngày càng cao, nhu cầu thẩm mỹ dần được nâng lên. Để đáp ứng yêu cầu của khách, đòi hỏi tay nghề phải cao hơn, thậm chí mở rộng hơn là tự thiết kế và may”.

Tiếng lành Ánh Huyền may áo dài đẹp đồn xa. Tiệm may của Ánh Huyền vì vậy ngày một đông khách. Chính tại nơi đây, hàng trăm bộ áo dài đã theo người Việt ra nước ngoài... Người may sau hỏi người may trước và danh sách những khách hàng tại những quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ… ngày một nhiều hơn. Có người vì nhiều lý do không về nước thì tự đo rồi gởi số đo qua mạng Zalo, facebook, nhờ Ánh Huyền may giúp. Những lần như thế, Ánh Huyền chờ đêm xuống, cũng như canh giờ để biết chắc rằng, người ở bên kia bán cầu vừa thức dậy để gọi qua Zalo, trò chuyện kỹ với khách. Thảng hoặc, Ánh Huyền yêu cầu khách gởi cho bức ảnh để xem “phom” người,  ước định khách mang giày dép cao bao nhiêu phân, để tính toán cho bộ áo dài sắp may. Thường là, Ánh Huyền may trước một bộ gửi qua đường hàng không cho khách mặc thử. Sau  đó nghe phản hồi, rồi khắc phục, chỉnh sửa (nếu cần).  Một khi khách hàng “OK”, Ánh Huyền mới chính thức may một lúc nhiều  bộ theo yêu cầu (5 - 10  bộ với nhiều màu sắc khác nhau).

 Ánh Huyền nói: “Hình như trời phú cho tôi năng khiếu của nghề hay sao ấy. Đi ngoài đường, thấy ai mặc áo dài đẹp, hoặc xem trên ti vi, trong tạp chí…, tôi có thể cắt may y chang. Từ một mẫu sẽ nghĩ và phăng ra thành nhiều kiểu khác nhau nữa. Có vậy mới không bị cũ, lỗi thời.

Ánh Huyền chia sẻ, ngày nay, áo dài luôn được cải tiến, nhiều kiểu dáng: áo dài công sở, áo dài dạ hội, áo dài tà đầm, tà ngắn, tà dài…Ngay cổ áo cũng nhiều dạng, không còn gói gọn kiểu cổ trụ như xưa. Các loại áo dài cổ trụ hiện nay cũng được cách tân rất nhiều. Chẳng hạn, cổ trụ thấp tạo sự thoải mái hơn cho người mặc; cổ trụ có khoét trước cổ tạo sự mới lạ độc đáo. Rồi mẫu áo dài cổ tim, khoét sâu  tạo nên sự quyến rũ của vòng một. Mẫu áo dài cổ tròn đính hạt lại tạo nên sự trẻ trung, dễ thương cho người mặc. Các loại cổ kiểu tròn đơn giản thì khá tiện dụng và đơn giản… “Vì vậy, muốn tồn tại với nghề đòi hỏi người thợ may phải không ngừng học hỏi và sáng tạo”- Ánh Huyền nói thêm.

Do biết ước mơ đúng khả năng, liên tục sáng tạo, cô thợ may Ánh Huyền không chỉ sống tốt với nghề, còn góp phần quảng bá nét đẹp của tà áo dài Việt Nam với bạn bè thế giới.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc sống & thời trang: Áo dài của Ánh Huyền