Theo dõi trên

Đa dạng các mô hình “tự quản”

13/11/2018, 08:37

BT - Mô hình “tự quản” ở cộng đồng dân cư được xây dựng với nhiều tên gọi khác nhau nhưng các nội dung hoạt động giống nhau và cùng mục tiêu hướng đến góp phần thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở khu dân cư.

         
   

      

      Mô hình tự quản “ánh    sáng an ninh” ở Tánh Linh.

Hiệu quả

Tổ nhân dân tự quản (NDTQ)  - mô hình do nhân dân tự bầu, tự quản, chế độ phụ cấp do nhân dân đóng góp hoặc thôn hỗ trợ từ các nguồn vận động. Do đó, tổ NDTQ hoạt động trên tinh thần tự giác, tự nguyện, không có chế độ hỗ trợ và tổ trưởng, tổ phó của Tổ NDTQ được nhân dân trực tiếp bầu ra (đối với các thôn có con người tự nguyện tham gia) hoặc do thôn cử cán bộ thôn tham gia (đối với các thôn không có sự nhiệt tình tham gia của nhân dân).

Theo khảo sát của UBMTTQVN tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 5.021 tổ NDTQ được thành lập và hoạt động, trung bình 1 tổ quản lý từ 40 đến 50 hộ. Qua đó, có trên 4.000 tổ NDTQ hoạt động rất hiệu quả, giúp Ban điều hành thôn nắm chắc địa bàn, quản lý và triển khai được nhiều nội dung của cấp ủy, chính quyền đến từng hộ gia đình. Hay nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân phản ánh kịp thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào của địa phương, thu các loại quỹ. Đặc biệt, vai trò của tổ trưởng tổ NDTQ giúp trưởng thôn trong việc nắm bắt tình hình đời sống, quản lý các hộ gia đình trên địa bàn trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở thôn.

Bên cạnh đó, hoạt động của các mô hình tự quản xuất phát từ các phong trào do Mặt trận và các hội, đoàn thể triển khai đã phát huy được hiệu quả tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mô hình này được nhân rộng, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và đạt nhiều kết quả tích cực trên các mặt. Tính đến nay, toàn tỉnh có 914 mô hình, trong đó có 683 mô hình hoạt động có hiệu quả, 219 mô hình có cùng nội dung nhưng nhiều tổ chức cùng góp sức thực hiện. Nhìn chung, các mô hình được xây dựng với nhiều tên gọi khác nhau theo chỉ đạo của từng ngành, từng tổ chức nhưng nội dung hoạt động của các mô hình lại giống nhau, mục tiêu hướng đến góp phần thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở khu dân cư. Đó là các mô hình “Khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông”, “Ánh sáng an ninh”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường”…do Mặt trận chủ trì. Hoặc mô hình “5 không 3 sạch”, “Không bạo lực gia đình”…

… nhưng còn bất cập

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBMTTQVN tỉnh hiện có hơn 1.000 tổ NDTQ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập và hoạt động không hiệu quả. Đối với các địa bàn thôn có diện tích hẹp, dân số ít thì việc bố trí tổ trưởng, tổ NDTQ không phát huy được vì các nhiệm vụ của thôn đều do Ban điều hành thôn làm việc trực tiếp với dân, tổ NDTQ chỉ vận động nhân dân treo cờ và gửi giấy mời họp. Mặt khác, do không có chế độ phụ cấp nên việc bố trí nhân sự cho chức danh này là cán bộ ở thôn kiêm nhiệm thì vai trò của tổ trưởng NDTQ không phát huy tốt vì kiêm nhiệm, quản lý địa bàn rộng, khó nắm bắt, quản lý tốt được hoạt động của từng hộ gia đình.

Còn đối với các mô hình tự quản xuất phát từ phong trào do Mặt trận và các hội, đoàn thể triển khai còn thiếu sự theo dõi, đánh giá và nhân rộng, nuôi dưỡng mô hình nên việc duy trì hoạt động còn rất nhiều khó khăn. Do thiếu sự thống nhất chung, đối tượng tác động còn chồng chéo nên việc triển khai xây dựng mô hình hiện nay tại các thôn, khu phố còn mang tính hình thức, thiếu tính hiệu quả lâu dài, gây nhàm chán cho người dân trong việc tham gia mô hình tại địa bàn dân cư.

Thời gian tới, UBMTTQVN tỉnh đề nghị các khu dân cư tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình tự quản, tùy vào điều kiện thực tế của từng nơi có thể xem xét tính chất hoạt động có phù hợp hay không để tiếp tục duy trì. Đối với các mô hình tự quản, UBMTTQVN tỉnh đề nghị nếu cùng mục đích, ý nghĩa, nội dung nên thống nhất một tên gọi và tập hợp lại thành một đầu mối giao cho một tổ chức chủ trì, phối hợp triển khai. Cùng với đó, các hội, đoàn thể cấp tỉnh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình và đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên.          

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa dạng các mô hình “tự quản”