Dân vùng biển lở
Dân vùng biển lở “ồ ạt” bán đất tái định cư
BT- Bốc thăm nhận đất
chưa được bao lâu, không ít hộ dân vùng biển lở Tiến Đức được tái định cư tại
thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) bán đất. Nguy cơ khó thoát khỏi
cảnh “ổ chuột” đông đúc và tái lấn chiếm đất đai nếu ngành chức năng không có
biện pháp ngăn chặn.
 |
Những lô đất tái định cư ở thôn Tiến Bình
đã bán. |
Bất ổn đất tái định cư
Những năm gần đây, dưới sự
tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày
càng gia tăng đã gây ra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển nghiêm trọng nhiều
nơi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có khu vực làng chài Tiến Đức, xã Tiến Thành
(TP. Phan Thiết) với khoảng hơn 200 hộ dân bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở. Trước
thực trạng đó, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp giúp người dân
vùng biển lở có nơi ăn chốn ở, không còn phải thấp thỏm đêm ngày với cơn sóng
dữ. Theo đó đã xây dựng khu tái định cư ở thôn Tiến Bình để người dân về ổn định
cuộc sống.
Năm 2016 khu tái định cư bắt
đầu đón nhận hơn 80 hộ dân đến nhận đất sau quyết định phê duyệt phương án tái
định cư đợt 1 của thành phố. Tiếp theo là đợt 2, đợt 3... rải rác tổ chức bốc
thăm kéo dài cho đến nay. Tuy nhiên, những tưởng hầu hết người dân vui mừng nhận
đất để an cư lạc nghiệp, nhưng không ít người vội vàng bán cho những người đầu
cơ đất và cấn trừ nợ. Họ không nghĩ cuộc sống khó khăn trong tương lai nếu cứ đi
thuê nhà trọ, hay bị xử phạt và đẩy đuổi khi ở trên đất lấn chiếm. “Hiện giờ chỉ
còn một số người bám trụ ở khu tái định cư, còn lại bán hết rồi, có người bán
ngay khi mới bốc thăm nhận đất. Họ bán lấy tiền mua nhà trong hẻm để ở, tiêu
xài, trả nợ, đi thuê nhà trọ, mua lại đất lấn chiếm của ai đó bán rẻ...”, ông N.
T, một trong những cư dân thôn Tiến Đức cho biết.
Qua tìm hiểu, phần lớn những
hộ tái định cư là những hộ nghèo, nhiều hộ nợ nần không có tiền xây nhà trên đất
tái định cư nên bán đi để trang trải nợ. Sau khi bán có hộ trở lại vùng biển lở
hoặc đến bãi rác Bình Tú mua lại đất của những người lấn chiếm bán giá rẻ, dựng
nhà ở. Nhiều lô đất tái định cư đã mua đi bán lại qua tay nhiều người với chỉ
mảnh giấy giao đất, kèm theo thỏa thuận khi nào làm giấy chứng nhận thì chủ đất
sẽ đứng ra làm và chuyển nhượng. Giá mỗi lô dao động từ hơn 100 triệu đồng đến
600 triệu đồng/lô tùy hộ bán trước, bán sau. Cũng có người lợi dụng chính sách
nhà nước, nên bán đất và tìm khoảng đất trống nào đó dựng nhà ở để sau này có cơ
hội được cấp đất lần nữa. Ông N.T cho hay, ở làng chài hiện đang có nhiều người
bức xúc, trước đây vào những năm 1990 khi giải tỏa khu nhà chồ Cồn Chà (phường
Đức Thắng) về làng chài này, một số hộ được cấp đất tái định cư sau đó bán đi,
ra bãi biển lấn chiếm và khi biển xâm thực cũng được giao đất tái định cư...
đang tạo ra tiền lệ.
Đất tái định cư rơi vào tay
những người dư tiền, đầu cơ đất, trong khi những người nghèo nhận thức có hạn
tiếp tục ở đất lấn chiếm, gây khó cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh và
về an ninh trật tự. “Khu tái định cư bây giờ toàn người nơi khác đến ở và đất bỏ
trống của những người đầu cơ đất”, chị N.T. D – một cư dân tái định cư ở thôn
Tiến Bình chỉ tay về phía những lô đất đã bán cho biết.
Cần có quy định rõ ràng
Hiện tượng người dân vùng
biển lở bỏ khu tái định cư Tiến Bình đi nơi khác, ông Tống Duy Mạnh – Chủ tịch
UBND xã Tiến Thành thừa nhận và cho biết, hiện UBND xã chưa có cách nào ngăn
chặn, vì khi bán đất người dân không thông qua xã, cứ qua công chứng là xong nên
rất khó kiểm soát, quản lý. Điều tệ hại hơn, họ bán đất rồi lại đi lấn chiếm đất
hoặc mua đất lấn chiếm dựng nhà ở, UBND xã đang xử lý một số hộ đến bãi rác Bình
Tú dựng nhà ở.
Chủ trương di dời khu biển lở
Tiến Đức là muốn an dân, tạo điều kiện và giúp đỡ cho dân có cuộc sống tốt hơn
là đúng, nhưng cũng cần phải tuyên truyền để dân hiểu giá trị ổn định của việc
tái định cư. Trong trường hợp cần thiết phải có quy định rõ ràng đối với người
dân khi nhận đất tái định cư, để giữ chân người nghèo ổn định cuộc sống. Cảnh
báo người mua, việc mua đất tái định cư khi chưa có giấy chứng nhận sẽ gặp rủi
ro vì pháp luật không cho phép chuyển nhượng nền tái định cư dưới mọi hình thức,
người chủ đất đầu tiên (được cấp đất tái định cư) mới là người được cấp giấy
chứng nhận.
Lê
Ninh