Theo dõi trên

Dân vùng quy hoạch “khổ” vì không được đầu tư hệ thống nước sạch

02/05/2018, 09:28

BT- Thời gian gần đây, người dân ở khu phố 6, phường Phú Thủy (TP. Phan Thiết) phản ánh về việc hàng chục hộ sống trong khu vực không có hệ thống nước sạch để sinh hoạt, mặc dù nơi họ sống nằm ngay ở trung tâm thành phố. Hầu hết các gia đình đều phải mua nước lại của các hộ khác dọc tuyến đường Lâm Đình Trúc với giá 20.000 đồng/m3.

                       
   Ông Võ Hồng Sơn và giếng khoan tự đào của    người dân khu phố 6.

Gần 15 năm bị bỏ quên?

Từ năm 2004 đến nay, dọc đại lộ Hùng Vương (bên phải) từ ngã tư vòng xoay Tôn Đức Thắng nối ra Thanh Hải nằm trong quy hoạch Khu dân cư số 2 đại lộ Hùng Vương giai đoạn 1 và dự án Khu Hùng Vương II, giai đoạn 2A nhưng chưa thực hiện đền bù. Cũng suốt chừng đó thời gian, đến nay người dân sống trong vùng quy hoạch vẫn không được đầu tư hệ thống nước sạch của Nhà nước để sử dụng, vì vướng… quy hoạch.

Ông Võ Hồng Sơn (khu phố 6, phường Phú Thủy) đại diện cho 20 hộ dân dọc tuyến đường Hùng Vương (đoạn qua quán Đồng Quê) phản ánh, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, nhất là vào cao điểm mùa khô hiện nay khiến bà con rất bức xúc. Dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ dân trong vùng, tất cả các hộ dân sinh sống tại đây đều than phiền về sự thiếu thốn khó chịu này. Do chưa có hệ thống nước sinh hoạt, nên ông Sơn đã đứng ra hợp đồng “câu” đường nước của một số hộ gia đình ở đường Lâm Đình Trúc và bán lại cho các gia đình lân cận mức 20.000 đồng/m3. Tuy vẫn thu lợi nhuận về phía mình, nhưng bản thân ông Sơn rất mong muốn được Nhà nước đầu tư hệ thống nước sạch.

Gia đình chị Trần Thị Thu Tâm (KP 6) cho biết: “Mỗi tháng gia đình chúng tôi chỉ sử dụng tiết kiệm khoảng 7 m3, chủ yếu dùng cho nấu nướng, còn tắm giặt phải về nhà mẹ ở khu phố khác để sử dụng”. Còn hộ anh Trương Ngọc Minh ở nhà lân cận chia sẻ:  “Do có nhiều cây cảnh nên mỗi tháng gia đình tôi phải sử dụng hết khoảng 30m3, tuy nhiên vào cao điểm mùa khô nước chảy rất yếu, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Mặt khác, với giá mua 20.000 đồng/m3, thì số chi phí bỏ ra mỗi tháng của chúng tôi không hề nhỏ, gây khó khăn trong cuộc sống”.

Theo ông Sơn, vài tháng qua, do vào cao điểm mùa khô, hệ thống nước rất yếu nên một số hộ đã tự bỏ kinh phí đào giếng khoan ở độ sâu 4 m để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, do nguồn nước có váng phèn nên bà con chỉ dám sử dụng để tưới cây, giặt giũ… Khi được hỏi mong muốn của các hộ dân ở vùng quy hoạch này, ông Sơn và các hộ dân đều mong Nhà nước sớm đầu tư hệ thống nước sạch để bà con giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, đồng thời cam kết sẽ không đòi đền bù chi phí lắp đặt khi Nhà nước có lệnh giải tỏa mặt bằng. 

Sẽ có đường ống nước trong năm 2018?

Trao đổi với ông Lê Văn Thịnh - Phó Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bình Thuận, ông Thịnh lý giải cũng do vướng vào quy hoạch, giải tỏa, nên mọi thủ tục liên quan đến việc lắp đặt ống nước tại khu vực này đều bị… treo. Nói về giải pháp sắp tới, anh Nguyễn Trí Minh - Trưởng phòng Kỹ thuật và đầu tư phát triển mạng (Công ty CP Cấp thoát nước Bình Thuận) cho biết: Hiện nay công ty đang làm thủ tục triển khai thi công tuyến ống 100, với chiều dài gần 500 m và 360 m ống 60, kéo dài dọc đường Lâm Đình Trúc (đang chờ thẩm tra, phê duyệt và cấp phép xây dựng). Khi thực hiện xong tuyến ống, việc lắp đặt, câu nối đường ống đến các hẻm nhỏ và thông tuyến đến khu phố 6  sẽ thuận tiện hơn và đảm bảo cung cấp đủ nước cho bà con.

Cũng theo lãnh đạo Công ty CP Cấp thoát nước Bình Thuận, hiện nay dọc tuyến đường Hùng Vương (mặt phải) đang xây dựng tuyến ống 300, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (thuộc Sở Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Nếu đường ống này hoàn thành sớm, việc lắp đặt ống nước đến các hộ dân khu phố 6 không còn là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, hiện tuyến ống này chưa được thông tuyến, chưa bàn giao cho công ty.

Ông Ngô Trường Sinh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông cho biết: “Hệ thống đường ống 300 thi công từ năm 2015. Đến nay cơ bản đã xong, chỉ còn vướng 30 m của 1 hộ dân do tranh chấp đất đai, dự kiến trong quý II/2018 đơn vị sẽ tập trung giải quyết dứt điểm”.

TRUNG  LƯƠNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân vùng quy hoạch “khổ” vì không được đầu tư hệ thống nước sạch