Theo dõi trên

Đâu rồi biển của ngày xưa?

23/09/2019, 08:44

BT- 1. Những đợt áp thấp cứ đến liên tục, mưa gió triền miên khiến nhiều tàu thuyền xếp hàng dài nơi cửa biển. Hỏi nhiều ngư dân lâu năm bám biển, họ đều lắc đầu ngao ngán bởi ngư trường không còn dồi dào như ngày xưa. Nhiều đợt ra khơi trở về trong tình trạng thua lỗ khiến họ không còn mặn mà với biển cả. Đời sống ngư dân giờ vất vả hơn trước, cảm giác trúng mùa, được những mẻ cá lớn giờ trở nên hiếm hoi, khiến nhiều ngư dân muốn buông biển. Nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt là một thực tế khó chối bỏ mà các ngành chức năng cũng đang đau đầu tìm cách gỡ. Nhưng có lẽ do ngư dân khai thác bất chấp trong thời gian dài, đội tàu khai thác gần bờ phát triển quá nhanh, đánh bắt dưới mọi hình thức từ giã cào, xung điện, thuốc nổ, lưới sai kích cỡ… Họ khai thác tận diệt đến mức các loài thủy sản không kịp sinh trưởng, phục hồi. “Biển đói”, ngư dân càng tìm cách tận thu, tận diệt… và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại chưa có hồi kết. Dù ngành chức năng đã cấm một số hình thức...

2. “Biển đói”… nhiều tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh lại mon men sang nước bạn đánh bắt, vi phạm vùng biển nước ngoài dù đã được cảnh báo nhiều lần. Mất hết tài sản, tiền bạc, thậm chí bị đi tù, nhưng vì lợi nhuận trước mắt một số ngư dân vẫn bất chấp với lối suy nghĩ “đi 3, bắt 1 vẫn lời”. Vi phạm chống khai thác IUU kéo theo rất nhiều hệ lụy, con đường xuất ngoại của con tôm, con cá sang thị trường châu Âu vô cùng khó khăn, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại lớn mà ngư dân cũng bị liên lụy. Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” vào tháng 11 tới. Đừng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả nước lâu dài.

3. Lao động thạo nghề dường như đã ngán nghề biển khi họ lần lượt chuyển lên bờ để mưu sinh. Ngày nay, để kiếm đủ bạn thuyền ra khơi cũng khó trần ai, dù là lao động tay ngang. Hỏi ra ai cũng bảo đi biển… vất vả, sóng gió rồi tai nạn biển luôn rình rập, nhưng nếu kiếm được kha khá sau khi tàu thuyền cập bờ thì họ cũng cố… Nay, biển “bạc” quá, công sức bỏ ra không còn tương xứng, nên nhiều người từ chối các lời mời cộng với việc ứng trước lương. Nhiều tàu thuyền nằm bờ cũng vì lý do này khi không tìm đủ bạn thuyền để ra khơi. Các chủ tàu tìm đủ mọi cách để “nuôi” bạn thuyền nhưng lực bất tòng tâm. Các ngư dân nói vui, may nhờ có chính sách hỗ trợ tiền dầu của Nhà nước, bà con mới cố bám biển, nếu không họ cũng bỏ biển lên bờ. Để biển dồi dào tôm cá như ngày xưa, một số địa phương đã đề xuất ngành thủy sản ban hành lệnh cấm biển có thời hạn, nhất là trong mùa sinh sản của các loài hải sản. Việc áp dụng lệnh cấm biển có thể gây ảnh hưởng nhất định đến thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhưng về lâu dài, đây là giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Song song đó, các lực lượng chức năng (kiểm ngư, bộ đội biên phòng, thanh tra thủy sản…) cần xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt kiểu tận diệt. Nếu ngư dân không nhận thức được hành động sai trái của mình, thì đến một ngày biển sẽ không còn tôm, cá và biển của ngày xưa mãi thuộc về dĩ vãng…

Song Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đâu rồi biển của ngày xưa?