Theo dõi trên

Dạy nghề gắn nhu cầu giải quyết việc làm

06/03/2017, 08:31

BT- Qua 1 năm sáp nhập và đi vào hoạt động, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) thị xã La Gi đã triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT).

Tuyển sinh đạt kết quả tốt

Ông Nguyễn Bảo Hà – Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện sáp nhập hai đơn vị nên còn nhiều khó khăn trong công tác nhân sự và điều hành hoạt động chuyên môn. Khắc phục khó khăn, Trung tâm tăng cường phối hợp các ngành, các cấp thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về dạy nghề và giới thiệu việc làm. Nhờ đó, công tác tuyển sinh đối với các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp đạt kết quả tốt. Trung tâm đã mở 20 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với 427 học viên học nghề may công nghiệp, nghề dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn. Trong công tác giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, Trung tâm tổ chức 6 lớp THPT – hệ giáo dục thường xuyên với 259 học sinh; 25 lớp nghề phổ thông với 975 học sinh; 6 lớp chứng chỉ B – Anh văn; 6 lớp chứng chỉ A – Tin học. Hiện Trung tâm tiếp tục duy trì liên kết đào tạo 4 lớp đại học; 5 lớp trung cấp; hàng trăm học viên đang học lái xe mô tô hạng A1; liên kết với Trung tâm Dạy nghề Quyết Thắng đào tạo 5 khóa lái xe mô tô hạng B2, C…

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của thị xã theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể, qua đào tạo nghề may công nghiệp đã cung ứng 95% lao động có tay nghề vào làm việc tại Công ty cổ phần May Bình Thuận – Nhà Bè, số còn lại được giới thiệu vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Đối với học viên sau khi được cấp giấy phép lái xe ô tô, phần lớn là lái xe nhà, một số được Trung tâm Dạy nghề Quyết Thắng giới thiệu lái xe cho các hãng taxi tại Phan Thiết. Các lớp liên kết đào tạo có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, phần lớn các học viên đã có việc làm, học tập nâng cao trình độ và học theo nhu cầu, điều kiện riêng của cá nhân.

Tăng cường phát triển đội ngũ giáo viên

Theo ông Hà, hiện nay Trung tâm chỉ có 16 giáo viên cơ hữu. Riêng đội ngũ giáo viên dạy THPT – hệ giáo dục thường xuyên, Trung tâm chỉ có giáo viên dạy môn văn và sử, các môn còn lại phải hợp đồng 11 giáo viên thỉnh giảng trình độ đại học. Đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu ảnh hưởng lớn đến sự chủ động trong đào tạo các nghề có nhu cầu tại địa phương như trồng và chăm sóc cây cảnh; quản lý bàn – buồng phòng, thuyền trưởng, máy trưởng. Nếu mở các lớp đào tạo trên thì không mời được giáo viên thỉnh giảng về dạy do ở xa và không đáp ứng được kinh phí.

Thời gian tới, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, Trung tâm sẽ có kế hoạch tăng cường phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề bảo đảm đáp ứng được công tác giảng dạy. Cùng với đó, đẩy mạnh đa dạng hóa dạy nghề theo nhu cầu giải quyết việc làm, cung ứng lao động kỹ thuật cho phát triển kinh tế xã hội của thị xã. Liên kết tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu học các nghề kỹ thuật cao, các nghề dịch vụ khác. Với mục tiêu cụ thể là chủ động phối hợp triển khai tuyển sinh đào tạo nghề LĐNT theo kế hoạch của thị xã, bảo đảm tỷ lệ có việc làm sau khi học là trên 80%. Tổ chức tốt các hoạt động đào tạo hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên cho đối tượng học sinh THCS và THPT. Mở rộng liên kết với các trường, trung tâm kỹ thuật để tuyển sinh đào tạo các ngành nghề dịch vụ, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu học nghề tại địa phương. Đặc biệt, đề xuất các cấp thẩm quyền trang bị thêm các thiết bị dạy nghề, xây dựng hoàn thiện khu vực mở rộng trung tâm để bố trí các máy móc, mô hình thực nghiệm cho học viên thực tập các nghề kỹ thuật, đúng theo yêu cầu chuẩn đào tạo.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy nghề gắn nhu cầu giải quyết việc làm