Theo dõi trên

Đề xuất xây dựng công trình nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số

03/01/2019, 09:32

BT- Bình Thuận hiện có 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh, chiếm trên 8% so với dân số của tỉnh. Mặc dù từ nhiều năm nay tỉnh rất quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách gắn với thực hiện lồng ghép các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ nhằm phục vụ phát triển sản xuất, tạo nét khởi sắc ở vùng ĐBDTTS. Tuy nhiên, tính đến năm 2018, tỉnh vẫn còn 3.061 hộ ĐBDTTS thuộc diện hộ nghèo, chiếm 13,38% và 2.864 hộ thuộc diện hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 12,52%. Con số này đã phản ánh một thực tế, đó là tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng ĐBDTTS còn cao, đời sống của đồng bào thiếu ổn định, dẫn đến khả năng tái nghèo cao. Cá biệt đến nay, một số xã vùng ĐBDTTS công trình cấp nước sinh hoạt chưa được đầu tư, đồng bào vẫn còn sử dụng nguồn nước từ sông, suối, giếng đào... không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

                
Những công trình nước được xây dựng, giúp    ĐBDTTS ổn định cuộc sống.

Chính vì vậy, mới đây UBND tỉnh đã đề xuất Ủy ban Dân tộc xem xét, phối hợp các bộ, ngành liên quan bố trí vốn đầu tư 2 công trình nước với tổng mức đầu tư hơn 685 tỷ đồng để thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS” đến năm 2020 theo đúng lộ trình đề ra. Hỗ trợ vốn đầu tư 2 dự án nước là sự hỗ trợ thiết thực nhất, giúp tỉnh có thêm điều kiện để quyết tâm thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực ở vùng ĐBDTTS. Cụ thể, Hệ thống nước sinh hoạt tập trung xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc có tổng mức đầu tư trên 36,7 tỷ đồng. La Dạ là một trong 4 xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc, ĐBDTTS chiếm gần 80%. Mặt khác, La Dạ là xã duy nhất trong số 11 xã vùng cao thuần ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh chưa có công trình cấp nước sạch. Do vậy, việc đầu tư công trình này mang tính bức thiết, đáp ứng mục tiêu của tỉnh và phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân.

Công trình thứ hai là hồ chứa nước Cà Tót tại xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình dự kiến tổng mức đầu tư trên 648,3 tỷ đồng. Bắc Bình được biết đến là vùng thiếu nước nghiêm trọng, mặc dù đã được đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi như: hồ Cà Giây, đập dâng Phan Tiến, đập dâng Sông Khiêng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng và vẫn còn nhiều vùng chưa có công trình thủy lợi. Các công trình hiện có chỉ khai thác dòng chảy cơ bản của sông Lũy nên về mùa khô, nước ít, không chủ động, nạn hạn hán vẫn xảy ra. Đặc biệt, Phan Tiến là một trong những xã có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng chưa được khai thác vì thiếu nước. Tính đến năm 2018, toàn xã có 118 hộ thuộc diện hộ nghèo, chiếm 27,1% và 43 hộ thuộc diện hộ cận nghèo, chiếm 9,9%. Hệ thống công trình thủy lợi Cà Tót được đầu tư dự kiến sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 1.500 ha đất canh tác và sinh hoạt cho người dân các xã Phan Tiến, Sông Lũy và Bình Tân, huyện Bắc Bình. Đây là vùng đặc biệt khó khăn, nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt chủ yếu dựa vào tự nhiên, vì vậy hàng năm chỉ gieo trồng được một vụ. Trong quy hoạch sử dụng tổng hợp nguồn nước sông Lũy đã khẳng định xây dựng hồ chứa nước Cà Tót là cần thiết, nhằm điều hòa lại nguồn nước giữa các mùa để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc.

Chính vì sự cần thiết đó, UBND tỉnh mong muốn Ủy ban Dân tộc sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân bổ vốn cho địa phương để đảm bảo hoàn thành mục tiêu của d9ề án. Khi dự án hoàn thành sẽ chủ động cung cấp nước tưới, có điều kiện thâm canh tăng vụ, như vậy sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống nhân dân trong vùng hưởng lợi của dự án. Qua đó, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, từng bước xây dựng nông thôn mới vùng ĐBDTTS.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất xây dựng công trình nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số