Diện tích trồng kiệu tết giảm mạ
Diện tích trồng kiệu tết giảm mạnh
BT- Những năm qua, cây kiệu
được nhiều nông dân ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân lựa chọn làm cây trồng chủ lực.
Nhiều hộ gia đình nhờ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng kiệu đã có cuộc
sống ổn định. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng thời tiết và nhiều yếu tố khác nên
diện tích của cây trồng này bị giảm mạnh. Hiện tại, người dân Sơn Mỹ đang tích
cực chăm sóc cây kiệu để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán
sắp tới.
 |
Nông dân đang chăm sóc vụ kiệu tết. |
Ông Tạ Văn Đức ở thôn 3, xã
Sơn Mỹ là một trong những hộ trồng kiệu lâu năm của địa phương. Năm 2019, ông
canh tác 3 ha kiệu, năng suất đạt bình quân 15 tấn/ha, với giá bán 40.000
đồng/kg, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh
hưởng dịch Covid – 19, ông lo ngại sức tiêu thụ thấp nên chỉ xuống giống 2 ha
kiệu. Ông Đức cho biết, kiệu là cây thích hợp với đất cát pha, thời gian xuống
giống đến khi thu hoạch kiệu là 5 tháng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu kiệu tết,
những hộ trồng kiệu như gia đình ông phải xuống giống từ đầu tháng 8 âm lịch.
“Trồng kiệu tuy tốn nhiều công chăm sóc nhưng lợi nhuận mang lại cao. Cái khó
của việc trồng kiệu là phải canh thời tiết để ươm giống và xuống giống sao cho
đúng thời điểm. Đồng thời phải chăm sóc đúng quy trình thì cây kiệu mới cho củ
đẹp. Tuy nhiên năm nay vừa nắng hạn, vừa dịch bệnh nên phải thu hẹp lại diện
tích để chăm sóc tốt hơn”, ông Đức cho biết thêm.
Cũng là một trong những hộ
gia đình trồng kiệu lâu năm, bà Nguyễn Thi Năm, ở thôn 3, xã Sơn Mỹ cho biết,
trước đây trên vùng đất này bà con chủ yếu canh tác các loại cây trồng như keo
lá tràm, điều, đậu phộng… Riêng hàng năm, vào cuối tháng 8 âm lịch, bà cùng
người dân ở đây xuống giống kiệu vụ tết. Do kiệu tết thường rất dễ bị sâu bệnh
tấn công nên bà phải xử lý đúng liều lượng nước, thuốc để kiệu thu hoạch đảm bảo
năng suất. Ngoài ra, muốn kiệu phát triển tốt phải thường xuyên nhổ cỏ, nếu nắng
quá phải tưới nước để tránh vàng lá, thán thư.
Theo nhiều hộ dân trồng kiệu,
để xuống giống kiệu tết, người dân phải trải qua các công đoạn, như: làm đất,
cắt ngọn rồi mới xuống giống. Việc chăm sóc kiệu cũng rất công phu, nếu thiếu
nước, đất khô, kiệu sẽ không lên mầm; nếu để nhiều nước, kiệu sẽ bị ngập úng,
thối giống.
Ông Trương Anh Chín – Chủ
tịch Hội Nông dân xã cho biết, Sơn Mỹ là xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát
triển cây kiệu với lợi thế chất đất cát pha, khí hậu thích hợp nên kiệu Sơn Mỹ
được đánh giá là ngon, củ trắng, giòn. Những năm qua, các thương lái từ TP. Hồ
Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đến để đặt hàng, thu mua. Nhờ vậy, nông dân trên
địa bàn xã đều có khoản thu nhập ổn định, khá giả hơn từ nghề trồng kiệu tết.
Tuy nhiên, năm 2020 toàn xã chỉ xuống giống trên 40 ha kiệu, giảm hơn 50% so với
diện tích của năm 2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân lo
ngại sức tiêu thụ thấp nên chủ động giảm diện tích canh tác. Bên cạnh đó, thời
tiết không được thuận lợi do dứt mưa sớm nên thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến sự
sinh trưởng của cây. Hiện các hộ trồng đang ra sức chăm sóc, phòng trừ dịch hại
để có được mùa kiệu tết bội thu.
NgỌc DiỆp