Theo dõi trên

Đưa hàng Việt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số

20/05/2019, 08:59 - Lượt đọc: 48

BT - Hiện Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã xây dựng hệ thống 11 cửa hàng và 3 đại lý trực tiếp đóng chân tại các thôn, xã miền núi, vùng cao trên địa bàn Bình Thuận. Gồm các cửa hàng ở xã Phan Dũng (Tuy Phong), Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến (Bắc Bình), Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), Hàm Cần, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam), La Ngâu (Tánh Linh) và đại lý thôn 1, thôn 3 tại xã Hàm Cần - huyện Hàm Thuận Nam, đại lý thôn 1 ở xã La Dạ  - huyện Hàm Thuận Bắc.

Bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều năm qua, Trung tâm Dịch vụ miền núi luôn tập trung thực hiện hiệu quả chính sách đầu tư ứng trước tại 11 xã thuần và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh. Theo đó các loại vật tư, hàng hóa như bắp giống, lúa giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật các loại (chủ yếu do doanh nghiệp trong nước sản xuất)… đều được cung ứng kịp thời. Đơn vị này cho biết với số lượng vật tư, hàng hóa có giá trị hơn 15 tỷ đồng/năm đã đáp ứng được nhu cầu, phục vụ đầu tư sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó là tổ chức thu mua tiêu thụ bắp lai thương phẩm, mủ cao su cho bà con với số lượng trị giá hàng chục tỷ đồng, góp phần đưa tổng doanh thu hàng năm của đơn vị lên hơn 50 tỷ đồng.

Vào những dịp Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai mua sắm các mặt hàng thiết yếu để tham gia bình ổn giá. Chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, sữa, muối Iốt, dầu ăn, mì tôm, bột ngọt, bánh kẹo… cung ứng xuống các cửa hàng, đại lý bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào nơi đây. Bên cạnh điểm bán hàng cố định tại hệ thống các cửa hàng, đại lý nằm ngay trung tâm xã và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép, đơn vị cũng đã thực hiện sớm việc bán hàng lưu động phục vụ Tết Đầu lúa cho đồng bào 4 xã vùng cao của huyện Bắc Bình từ giữa tháng Chạp. Tiếp đó tập trung tổ chức các đợt bán hàng lưu động phục vụ Tết Nguyên đán ở các xã thuần vùng cao và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép, thời gian triển khai từ ngày 20 tết hàng năm…

Hoạt động đưa hàng Việt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được Trung tâm Dịch vụ miền núi quan tâm đến chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chủ yếu do doanh nghiệp trong nước sản xuất theo tinh thần cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vì vậy hàng hóa có giá bán bằng hoặc thấp hơn giá thị trường tại cùng thời điểm, riêng các mặt hàng bình ổn giá như gạo, dầu ăn, bột ngọt, đường… luôn đảm bảo đủ số lượng cung ứng theo nhu cầu với tổng giá trị trung bình hàng năm khoảng gần 2 tỷ đồng.

Thông qua các hoạt động của Trung tâm Dịch vụ miền núi, đến nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển biến về nhận thức và thói quen sử dụng, lựa chọn hàng Việt Nam. Đồng bào nơi đây cũng ngày càng tin tưởng vào chất lượng hàng hóa được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước với giá cả ổn định, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu nhất là vào dịp lễ, tết…

 Đ.Quốc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa hàng Việt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số