Theo dõi trên

Đức Bình: 

12/01/2021, 08:39

Hiệu quả bước đầu từ trồng khổ qua lấy hạt

BT - Trồng cây khổ qua lấy hạt là mô hình cây trồng mới, thể hiện sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà nông. Mô hình này đang mở ra hướng đi nhiều triển vọng cho người nông dân các xã ở Tánh Linh bởi hiệu quả mà nó mang lại.

Ông Đinh Thành Huy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình cho biết, là xã thuần nông nên việc sản xuất nông nghiệp tác động rất lớn đến công tác hội và phong trào nông dân, đặc biệt tổ chức nhân rộng các mô hình, dự án có hiệu quả hơn cây lúa. Hiện tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đức Bình hơn 1.700 ha, tuy nhiên số thửa không chủ động nước hoặc ít phì nhiêu nên chỉ sản xuất được 1 vụ. Trong năm 2020, một giải pháp “đón đầu”, tránh tình trạng bỏ hoang đất được một số hộ nông dân hưởng ứng là trồng khổ qua lấy hạt. Qua thực tế học hỏi kinh nghiệm từ nông dân xã La Ngâu, cộng với kiến thức, nguồn giống mà Công ty chuyên hạt giống Việt Nông ở Đồng Nai trang bị, hỗ trợ, 12 hộ trồng vụ đầu đã thu “trái ngọt”.

                
Vườn khổ qua lấy hạt của nông dân Đức Bình    đang phát triển.

Ông Tạ Ngọc Hồng, một trong những hộ tiên phong ở xã chia sẻ: Thửa đất hơn 1 sào của gia đình mấy năm nay chủ yếu trồng rau cải các loại, vì thế khi nghe đến khổ qua lấy hạt tôi liền mạnh dạn đăng ký. Trồng khổ qua không khó, ban đầu cần đầu tư tre để làm giàn, bạt ni lon trải dưới đất lúc gieo hạt. Khâu quan trọng và cần nhiều thời gian nhất là thụ phấn nhân tạo, vì đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ. Phấn được bỏ vào một lọ nhỏ, người làm cầm bút lông chấm vào phấn rồi chấm nụ hoa, sau đó bao lại đánh dấu. Từ lúc gieo hạt cho đến khi trái chín, thu hoạch khoảng từ 65 - 75 ngày. Nếu trừ chi phí nhân công, vật tư, một vụ còn lãi 7 – 8 triệu đồng/sào, gấp nhiều lần trồng lúa.

Sau hiệu quả từ vụ đầu tiên, Hội Nông dân xã Đức Bình hướng dẫn cho nông dân đăng ký tiếp tục sản xuất vụ thứ 2, với diện tích 9 sào. Sau 1 tháng xuống giống, các giàn khổ qua đều vươn ngọn mơn mởn, bắt nhánh lên giàn. Ông Nguyễn Phi Khái (thôn 3, xã Đức Bình) cho rằng: Có thể số vốn ban đầu bỏ ra làm giàn, mua lưới tốn kém, nhưng lại sử dụng được nhiều vụ, cộng thêm được công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm với lợi nhuận cao nên tôi yên tâm sản xuất loại cây trồng mới.

Theo đánh giá của ông Huy, việc trồng cây khổ qua lấy hạt không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, nâng cao thu nhập, mà nó còn làm thay đổi thói quen canh tác của người dân. Đó là tuân thủ nghiêm ngặt các quy định sản xuất đề ra để đem lại hạt giống tốt nhất. Điều này thể hiện trách nhiệm, gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp và ngược lại. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tuyên truyền nhân rộng mô hình, liên kết, tạo điều kiện để bà con sản xuất làm giàu chính đáng.

T.Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Bình: