Theo dõi trên

Đừng biến biển thành bãi xả rác thải

07/11/2018, 10:13

BTO- Tình trạng người dân biến bãi biển thành nơi đổ rác thải vẫn phổ biến, gây mất mỹ quan, ô nhiễm nghiêm trọng.

Bình Thuận có bờ biển dài 192km kéo dài từ mũi Đá Chẹt (giáp Cà Ná, Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với lợi thế đó, những năm qua Bình Thuận đã tận dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường biển chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tại các địa phương vùng ven biển.

Người dân vẫn ngang nhiên đổ, xả rác ra biển, biến các bãi biển thành bãi rác. Hành động này không khó bắt gặp ở một số địa phương vùng ven biển như Tiến Thành, Tiến Đức, Phan Rí Cửa, Mũi Né, Phan Thiết… làm mất mỹ quan và ô nhiễm nghiêm trọng.

Ý thức bảo vệ biển, để biển mang lại nguồn thu nhập cho mình vẫn chưa định hình trong nhận thức ở không ít người dân. Tại khu vực bến cá khu phố 7 thuộc bãi trước Mũi Né là một điển hình, dọc bãi biển - nơi có hàng chục cơ sở thu mua và sơ chế hải sản xả thẳng tất cả những gì bỏ đi ra biển, mùi hôi thối nồng nặc, cùng với hàng trăm loại rác từ nhà dân – những người không chịu đóng tiền vệ sinh môi trường. Khi thủy triều dâng cao cuốn ra biển và cứ thế ngày này qua ngày khác, biển gánh chịu không biết bao thứ chất dơ bẩn bao gồm các túi nilon khó và lâu phân hủy.

 

Anh T – nhân viên vệ sinh môi trường chia sẻ, chúng tôi có nhiệm vụ làm vệ sinh môi trường trên các tuyến phố khu dân cư, không làm vệ sinh bãi biển vì không thuộc chức năng của công ty chúng tôi. Người dân ở đây thiếu ý thức về bảo vệ môi trường, nhiều gia đình không chịu đóng tiền vệ sinh môi trường, đem đổ rác thải ra biển hoặc đụng đâu quăng đó. Chúng tôi cũng trò chuyện với một phụ nữ địa phương, chị vô tư trả lời, đổ rác xuống biển cho nó trôi đi, ở đây chúng tôi cái gì cũng đổ xuống biển.

Dọc bãi biển Mũi Né hiện đang bị ô nhiễm, không chỉ do chính người dân hay một số cơ sở sơ chế hải sản, nhà hàng, khách sạn… xả thải ra biển bằng nhiều con đường, mà còn từ đại dương đưa vào. Nơi đây có cảnh đẹp thiên nhiên đẹp với Làng Chài thanh bình và thơ mộng, thu hút hàng ngàn du khách đến thăm quan mỗi năm. Nếu môi trường sạch, trong lành sẽ là điểm đến vô cùng hấp dẫn.

 Xác định kinh tế biển là mũi nhọn, những năm qua các cấp, các ngành ở Bình Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường biển như: tổ chức các hoạt động, chiến dịch làm sạch biển; nâng cao kỹ năng ứng phó với thiên tai; triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Dù vậy nhận thức bảo vệ môi trường biển của người dân, nhất là người dân vùng biển đến giờ vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét.

Để kinh tế biển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển một cách bền vững, các cấp, các ngành cần có giải pháp và hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường biển. Cùng với đó, người dân cần ý thức, đừng xem biển là bãi xả rác bởi biển là “nồi cơm” đang nuôi sống chính mình.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng biến biển thành bãi xả rác thải