Theo dõi trên

Ghi nhận từ tổ đoàn kết khai thác trên biển

02/10/2018, 08:55

BT- Thành phố PhanThiết là một trong 4 trung tâm nghề cá của tỉnh và là một trong những ngư trường lớn của nước. Cơ cấu đánh bắt hải sản đã chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất tham gia đánh bắt xa bờ, dài ngày.

                
Vận chuyển cá vào bờ. Ảnh: Đ.H

 Hiện nay, năng lực tàu cá trên địa bàn thành phố là 1.700 chiếc/262.000 cv, bình quân 154,12 cv/chiếc. Trong đó có khoảng 885 chiếc thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ, làm dịch vụ hậu cần thu mua, chế biến sản phẩm trên biển. Hoạt động khai thác hải sản chia theo 3 tuyến chính: tuyến bờ, tuyến lộng, tuyến khơi. Khai thác hải sản tập trung vào 2 vụ: vụ cá nam từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa khai thác chính. Vụ này tập trung nhất từ tháng 6 đến tháng 9 với các nghề như: vây, rê, mành, pha xúc. Vụ bấc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm ước đạt trên 55.000 tấn. Đặc biệt, ngư dân Phan Thiết bước đầu đã phát huy hiệu quả mô hình khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ thu mua, sơ chế biến  sản phẩm, bảo quản sản phẩm trên biển, xây dựng mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển với 130 tổ của 890 thuyền công suất lớn. Đây là mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong  khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển. Đồng thời góp phần bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.

Để tổ đoàn kết  khai thác trên biển thêm hiệu quả, Hội Nông dân thành phố Phan Thiết đã phối hợp với các ban, ngành chức năng liên quan tăng cường các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ ngư dân trong phát triển nghề bằng các chương trình phối hợp khuyến ngư, hỗ trợ vay vốn tín dụng, vốn quỹ hỗ trợ nông dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng có hiệu quả vào sản xuất khai thác hải sản… Qua 5 năm thực hiện các chương trình liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tín chấp cho trên 5.000 lượt hộ vay vốn với số tiền xoay vòng trên 53 tỷ đồng. Tổ chức 6 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, 5 cho 25 ngư dân. Hàng năm hướng dẫn, hỗ trợ giúp ngư dân đăng kiểm tàu cá, các giấy tờ, thủ tục cấp đổi giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá…

Để hỗ trợ ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, Hội đã phối hợp với Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thực hiện cung ứng 99 bóng Led sử dụng khai thác hải sản cho 33 chủ tàu cá tại phường Bình Hưng. Với chính sách hỗ trợ sau khi lắp bóng đèn vào thuyền, chủ phương tiện sẽ đánh bắt 3 chuyến biển hoặc 3 tháng. Nếu hiệu quả thì chủ phương tiện sẽ chi trả 50% số tiền trên tổng số bóng lắp đặt. Qua 3 tháng sử dụng, các chủ phương tiện nhận thấy mô hình rất hiệu quả về tiết kiệm nhiên liệu, độ sáng ngang bằng với bóng siêu, thu gom cá tốt, cho năng suất cao. Trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Phan Thiết tiếp tục triển khai rộng rãi mô hình này với các chủ tàu cá trên địa bàn thành phố, nhằm đem lại hiệu quả trong quá trình khai thác hải sản và tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra còn giới thiệu các cơ quan chuyên môn giới thiệu và hỗ trợ một số chủ tàu cá hoạt động tại các vùng biển xa những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác thủy sản như: đầu tư máy lọc nước biển, máy dò ngang, hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu mới, máy tời thủy lực…

Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân đã luôn phát huy trách nhiệm, tích cực chủ động phối hợp với các ngành chức năng, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn như Đồn Biên phòng Thanh Hải, Đồn Biên phòng Mũi Né làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về biên giới biển, về khai thác thủy sản, về đăng ký, đăng kiểm tàu cá. Tuyên truyền vận động hội viên và ngư dân bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, không đánh bắt khai thác hải sản bằng chất nổ, xung điện, pha xúc… Đồng thời, tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường, Quy chế khu vực biên giới biển (Nghị định 161/CP), Chỉ thị số 689/CT-TTg và Chỉ thị số 30/CT-TU, ngày 6/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về không khai thác bất hợp pháp tại vùng biên giới biển nước ngoài…

Trong 5 năm qua, đã tổ chức 2.990 buổi nói chuyện, tuyên truyền cho 91.935 lượt cán bộ, hội viên, ngư dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đã góp phần làm cho hội viên, ngư dân nắm chắc hơn tình hình, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Từ đó, tạo được ý thức chấp hành pháp luật về biên giới biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển.

HỮU CÁN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghi nhận từ tổ đoàn kết khai thác trên biển