Theo dõi trên

Ghi chép:

15/03/2019, 10:32 - Lượt đọc: 564

Ghi ở một lò mổ được cấp phép

 BT - 3 giờ sáng, khi mà mọi người đang ngon giấc thì lò mổ heo của anh Phan Văn Lâm, ở thôn Tiến Hòa, xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết lại sáng đèn…

Nghề làm đêm

Hai mươi lao động và cả chủ lò lại bắt đầu công việc mổ heo trong đêm để kịp cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng. Khác chăng! việc quán xuyến, quản lý của anh Lâm trở nên bận rộn, chặt chẽ hơn gấp nhiều lần. Bởi trong bối cảnh vài tháng qua, tình hình dịch tả heo châu Phi đang lây lan nhanh trên địa bàn các tỉnh phía Bắc. Đối với lò mổ có quy mô và là điểm giết mổ duy nhất của Tp. Phan Thiết được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp phép, hẳn anh Lâm cũng tự tin hơn nhiều về quy trình giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn không thừa, khi thị trường người tiêu dùng vẫn có tâm lý “né” thịt, khiến sức tiêu thụ trên địa bàn có chiều hướng giảm. Ngay lúc này, việc kiểm soát chất lượng thịt tại các lò mổ cũng được nhiều người quan tâm.

Gác lại giấc ngủ ngon lúc nửa đêm về sáng như ngày thường, tôi có hẹn với vài đồng nghiệp và cán bộ nông nghiệp của TP. Phan Thiết ghé thăm lò mổ của anh Lâm. Không gian tĩnh lặng - nhà nhà đang chìm trong giấc ngủ say. Ngoài trời vẫn tối đen như mực, thi thoảng lấp lánh ánh sáng đèn của những vườn thanh long ven đường đang vào vụ nghịch. Tôi khẽ rùng mình, nhưng vẫn quyết tâm “phi” xe chạy đến điểm hẹn…

Dù thuộc TP. Phan Thiết, nhưng đường vào lò mổ nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, khá xa khu dân cư. Khác với tưởng tượng của bản thân lúc đầu là sẽ nghe những tiếng “eng éc” trong đêm của những chú heo bị chọc tiết. Nhưng… không khí vẫn khá tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng người trao đổi qua lại về công việc. Chủ lò mổ cho biết, quy trình hoạt động của giết mổ, đầu tiên là giật điện xuyên tâm (không gây đau), lấy huyết, trụng nước, cạo lông và ra thịt. Hàng ngày, bắt đầu từ 3 giờ sáng, lò giết mổ hơn 20 con heo, mỗi con nặng khoảng 80 đến 90 kg, sản phẩm được bỏ mối ở các chợ trên địa bàn TP. Phan Thiết và các địa phương lân cận. Lò có đội ngũ khoảng 5 - 6 người chuyên chở hàng đi giao đến các chủ sạp thịt.

Gắn bó với nghề hơn 15 năm nay, anh Lâm cho biết, bản thân rất chú trọng việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Do đó, việc thu mua heo đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng tại các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nếu không đủ số lượng, chủ cơ sở sẽ đặt hàng nguồn heo của Công ty CP tại Bình Thuận. Cách một ngày sẽ chở về khoảng 20 con heo và thả đói, theo dõi trong vòng một ngày, sau đó mới đưa vào giết thịt.

Không gian tại khu lò mổ rộng 1.000 m2, nằm trên khuôn viên đất 3 ha của chủ lò. Hai mươi lao động, nhưng mỗi người một khâu. Cánh đàn ông, trai tráng được phân công cạo lông, ra thịt; phụ nữ làm lòng, phân loại sản phẩm… Họ đều là dân địa phương quanh vùng. Đều đặn tháng ba mươi ngày, ban đêm đi làm ở lò mổ để kiếm thêm thu nhập, với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng.

Tiêu thụ mạnh

5 giờ sáng! Các công đoạn giết mổ heo đã gần xong, cũng là lúc đội ngũ chở hàng và các thương lái chạy xe đến để chở thịt đi giao. Từng tảng thịt mới ra lò còn bốc hơi, nóng hổi. Sau khi được xẻ tải, chờ cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch, liền được đem lên bàn cân, ghi sổ rồi chất đầy từng giỏ chở đi. Bắt chuyện với anh Nguyễn Văn Thắng - một thương lái chở mối hàng ở đây được 5 năm chia sẻ: “Tôi lấy thịt ở đây để bỏ mối tại chợ Văn Thánh 3 (phường Phú Tài, Tp. Phan Thiết). Lý do gắn bó với lò mổ này vì thấy chất lượng thịt ngon, bán có lời. Người tiêu dùng khi nghe giới thiệu nguồn hàng được lấy từ điểm giết mổ được cấp phép hoạt động rõ ràng nên cũng yên tâm. Tuy nhiên, những ngày qua do thông tin về dịch bệnh heo châu Phi nên lượng thịt bỏ mối của tôi có phần giảm, từ 3 con/ngày xuống còn 2 con/ngày”.

Trong số những người làm việc tại đây, tôi để ý đến công việc lặng lẽ của ông Phan Bình - cán bộ thú y cơ sở của xã Phong Nẫm, được Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp TP. Phan Thiết hợp đồng làm thêm ở lò mổ này đã khá lâu. Hơn 50 tuổi, ngoài công việc chính ở xã với mức lương phụ cấp bán chuyên trách, ông phải chịu khó làm thêm vào ban đêm. Ông Bình kể, vào 2 giờ sáng đã thức dậy và đi xe đạp đến lò mổ để làm công việc của mình. Bằng chuyên môn và kinh nghiệm nhiều năm làm nghề thú y, ông Bình theo dõi, kiểm tra đầu vào heo hơi bằng các giấy tờ liên quan và chất lượng thịt bằng mắt thường, sau đó đóng dấu kiểm dịch. Theo ông, thịt heo ngon phải có màu trắng hồng, dai, đàn hồi, không có dấu hiệu khác thường…

Hơn 6 giờ sáng! Công việc trong lò mổ đã gần hoàn tất. Toàn bộ sản phẩm thịt đã được chở đi tiêu thụ. Chủ lò mổ vội vàng thúc giục lao động dọn dẹp sạch sẽ và bắt đầu phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực lò mổ. Khi mặt trời ló dạng, công việc ở lò mổ hoàn thành, ai nấy về nhà chăm sóc vườn thanh long và lo cho gia đình. Anh Lâm lúc này mới thở phào, thư giãn sau một đêm mất ngủ.

Riêng tôi, được chứng kiến tận mắt quy trình tại một lò mổ heo uy tín trên địa bàn, bản thân cảm thấy yên tâm hơn về sản phẩm thịt heo mình mua hàng ngày. Tuy nhiên, cần phải nhắc nhớ, đây chỉ là một trong số ít điểm giết mổ có quy mô tập trung, được cơ quan chức năng cấp phép. Bên cạnh đó, như lời của ông Nguyễn Ngọc Vấn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khó khăn trong công tác thú y hiện nay là trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát mà cơ quan chuyên môn không kiểm soát được. Đây cũng là nguy cơ lớn phát tán mầm bệnh, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp…

Kiều Hằng

 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghi chép: