Theo dõi trên

Gia tăng bệnh sốt xuất huyết

18/09/2019, 09:07

BT- Từ tháng 6 - 11, là đỉnh điểm của bệnh sốt xuất huyết (SXH), kết hợp các đợt mưa lớn làm lăng quăng, muỗi truyền bệnh này phát sinh nhanh. Vì vậy, tình hình SXH liên tục tăng, đến nay, ngành y tế tỉnh vẫn chưa thể kìm hãm được.

                
Phun thuốc diệt muỗi.

 Tăng liên tục

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 3.024 người mắc SXH gồm 36 ca nặng, 2 người tử vong; tăng hơn 5,4 lần so cùng kỳ năm 2018 (557 ca). Hiện cả nước đã có 16 người chết vì sốt xuất huyết. Bình Thuận có 2 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 12,5% của tổng số ca tử vong trên cả nước. Cụ thể, bé gái 7 tháng tuổi ở La Gi có triệu chứng sốt ngày 15/8. Gia đình đưa bé khám tại bệnh viện (TP. HCM) được chẩn đoán viêm hô hấp trên và điều trị ngoại trú (không rõ loại thuốc), nhưng bé có triệu chứng sốt cao, mệt lả, bỏ bú và khám tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi (18/8). Bác sĩ chẩn đoán SXH, điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu; sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. HCM). Mặc dù, các bác sĩ đã điều trị tận tình, nhưng bé tử vong (20/8) do SXH nặng, suy đa tạng. Trước đó, 1 nữ bệnh nhân, 50 tuổi tại xã Đồng Kho (Tánh Linh) tử vong do SXH nặng, suy đa cơ quan.

Nếu số mắc SXH trong tháng 7 là 679 người, thì số ca này tiếp tục tăng thêm 264 ca, nâng tổng số ca mắc trong tháng 8 là 943 người. Đáng chú ý, tất cả các huyện, thị, thành phố đều có người mắc bệnh SXH tăng cao (Tánh Linh 506, Phan Thiết 446, Hàm Thuận Bắc 420, Hàm Tân 355, La Gi 289, Hàm Thuận Nam 278, Đức Linh 240, Tuy Phong 235, Bắc Bình 230 ca…).

Bác sĩ Trần Thiện Nghĩa (Phó Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhận định: Tình hình SXH liên tục tăng từ đầu năm 2019 đến nay, mà vẫn chưa thể kìm hãm được. Hiện nay là đỉnh điểm của bệnh SXH (từ tháng 6 - 11), kết hợp các đợt mưa lớn làm muỗi phát sinh và truyền bệnh.

 Do chưa phòng tốt

Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ dụng cụ chứa nước có số lượng lăng quăng nhiều nhất gồm lu, mái (54,34 %), bể, pi, hồ (20,09 %) và các vật phế thải (30,16 %)... Do khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô, người dân một số xã trữ nước mưa, mà không đậy kín tạo điều kiện tốt cho lăng quăng sinh sôi, muỗi phát triển. Bên cạnh đó, các vật phế thải quanh nhà ứ đọng nước mưa, không được dọn sạch.

Tại Mũi Né, số gia đình được phun hóa chất diệt muỗi rất thấp, do thường đóng cửa đi làm. Mật độ lăng quăng trong lu, mái chứa nước khá nhiều; dọc ven biển nhiều gáo dừa, vỏ sò, ốc đọng nước và có lăng quăng. Đội phun hóa chất phun theo kiểu rập khuôn. Cứ mỗi nhà có thời gian phun khoảng 5 - 10 giây với mức phun mạnh nhất. Tuy nhiên, những nhà có diện tích quá rộng, cách phun này không đảm bảo kỹ thuật. Đặc biệt, hiệu quả phun không đạt cao khi các trung tâm y tế thuê người phun là lao động phổ thông chưa qua các đợt tập huấn phun. Đó là nhận xét của một số thành viên của đoàn công tác kiểm tra, giám sát (Bộ Y tế) phòng chống bệnh SXH tại tỉnh vừa qua.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thọ (Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Hầu hết các huyện không có kinh phí phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, cũng như chưa tổ chức các đợt diệt lăng quăng trên toàn huyện. Khi xảy ra ổ dịch với 2 ca SXH, hoặc 1 ca tử vong SXH, hoặc 1 ca SXH nặng trong vòng bán kính 200m tại 1 thôn, thì trung tâm y tế huyện phối hợp UBND xã diệt lăng quăng và phun thuốc diệt muỗi.

 Diệt lăng quăng trên toàn tỉnh

Để khống chế sự gia tăng bệnh SXH và hạn chế mức thấp nhất tình trạng tử vong, ông Đặng Quang Tấn (Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) yêu cầu Khoa Truyền thông sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) tăng cường tuyên truyền cho người dân cách phòng chống bệnh, diệt lăng quăng phù hợp theo từng khu vực. Từ nay đến cuối năm, chính quyền, đoàn thể phối hợp người dân tham gia tổ chức 3 lần diệt lăng quăng trên toàn tỉnh.

Bên cạnh xử lý ổ dịch, ngành y tế Bình Thuận kêu gọi cộng đồng diệt lăng quăng và muỗi vằn mỗi ngày. Bằng cách loại bỏ vật phế thải, lật úp gáo dừa, vớt bỏ lăng quăng, đậy nắp lu mái nước… Đồng thời, người dân phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt như ngủ mùng, thoa kem xua muỗi… Khi người thân có dấu hiệu sốt, đau đầu, mỏi cơ... đến ngay cơ sở y tế để xét nghiệm và điều trị sớm tránh tử vong, lây lan bệnh trong cộng đồng.

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia tăng bệnh sốt xuất huyết