Theo dõi trên

Gia tăng cháy ở địa bàn đô thị

04/03/2019, 08:41

 BT- Những năm gần đây, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, cháy do sự cố về điện, do sơ suất của con người và cháy nhà dân luôn chiếm tỷ lệ cao.

                
Cháy do sự cố về điện chiếm tỷ lệ cao.

 Trong 5 năm qua (2014 – 2018), kinh tế Bình Thuận không ngừng phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, công tác quy hoạch chỉnh trang đô thị còn gặp nhiều khó khăn, do tồn tại các khu dân cư lâu đời, nhất là khu dân cư ven sông, ven biển không đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); đường giao thông chật hẹp xe chữa cháy không vào được. Nhiều hộ dân tận dụng mặt bằng làm nơi sản xuất kinh doanh, kho chứa hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Nguồn nước chữa cháy đô thị tuy được bổ sung, song vẫn chưa giải quyết được căn bản so với yêu cầu. Ngoài ra, Bình Thuận có khí hậu khô hạn, nhiều nắng gió, mùa khô kéo dài nên tác động không nhỏ đến tình hình cháy nổ.

Giai đoạn 2014 – 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 242 vụ cháy nhà, công trình, vật tư, phương tiện, 2 vụ nổ khí gas tại nhà dân trong quá trình đun nấu; 147 vụ cháy rừng. Các vụ cháy đã làm 3 người chết, 25 người bị thương và thiệt hại tài sản hơn 64 tỷ đồng, 219,7 ha rừng, chủ yếu là thực bì. So với 5 năm liền kề, số vụ cháy tăng 85 vụ, thiệt hại tài sản tăng hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, cháy ở thành thị 148 vụ, chiếm 61,5%, nông thôn 94 vụ (38,5%). Nguyên nhân xảy ra cháy liên quan đến sự cố về điện 104 vụ; sơ suất, bất cẩn 50 vụ; đốt do mâu thuẫn, thù tức 21 vụ… Qua đó cho thấy, cháy ở địa bàn đô thị, cháy do sự cố về điện, do sơ suất con người, cháy nhà dân luôn chiếm tỷ lệ cao và có chiều hướng gia tăng.

         
      Tại    buổi giám sát việc thực hiện chính sách phát luật về PCCC tại đơn vị    mới đây, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Phúc cũng    đề nghị Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cần đổi hình thức, nội dung    tuyên truyền về công tác PCCC, ứng dụng công nghệ thông tin để phát    huy hiệu quả tối đa. Đồng thời, phải xây dựng, củng cố lực lượng    cảnh sát PCCC vững mạnh, phối hợp tốt với các địa phương trong việc    quản lý nhà nước, thẩm định hồ sơ về PCCC…

Thượng tá Trịnh Minh Hiển – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ – Công an tỉnh cho biết, những năm qua, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức PCCC dưới nhiều hình thức tương đối phong phú, đa dạng như: tuyên truyền qua loa nội bộ, loa truyền thanh ở các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư; tuyên truyền trực tiếp tại trường học, doanh nghiệp. Vận động hướng dẫn hơn 21.000 hộ kinh doanh, các cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Phát hành hàng chục ngàn tờ rơi khuyến cáo… Nhờ đó, gần 30% số tin báo cháy được quần chúng nhân dân xử lý, dập tắt trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến, không để lại thiệt hại. Nhiều đơn vị đã chủ động đăng ký huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho cán bộ, nhân viên, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Tuy nhiên, ông Hiển cũng nhìn nhận, công tác tuyên truyền theo kiểu truyền thống đã lỗi thời, không còn phát huy hiệu quả, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng thực hiện. Việc xây dựng mô hình, điển hình về PCCC chưa được chú trọng. Đặc biệt, kinh phí cho hoạt động tuyên truyền PCCC hầu như không có…

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia tăng cháy ở địa bàn đô thị