Theo dõi trên

Giảm nghèo bền vững: Nên bỏ cơ chế “cho không“ bằng cho vay

16/03/2017, 08:26

BT- Từ nay đến năm 2020, một trong những mục tiêu của chương trình giảm nghèo bền vững là giảm 20% trở lên các xã vùng cao có tỷ lệ hộ nghèo cao. Để đạt được, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, huyện, sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan thì sự quyết tâm thoát nghèo của các xã vùng cao có vai trò quyết định nhất.

 13 xã tỷ lệ hộ nghèo cao

Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 thì tỷ lệ hộ nghèo chung của 13 xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30,57%. Trong đó, huyện Bắc Bình có 3 xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến; huyện Hàm Thuận Bắc có 3 xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ; huyện Tánh Linh có 3 xã Măng Tố, La Ngâu, Suối Kiết; huyện Hàm Thuận Nam có 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh; huyện Hàm Tân có Tân Thắng và Tuy Phong có Phan Dũng. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao như Phan Tiến 60,38%; La Ngâu 53,02%; xã La Dạ 43,26%. Không thể phủ nhận, những năm qua, các chương trình và chính sách hỗ trợ giảm nghèo có tác động tích cực, toàn diện và đều khắp đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là 10 xã thuần dân tộc vùng cao thuộc Chương trình 135 theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Đến nay, một số xã đã đạt được các mục tiêu về giao thông, điện, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, nhà ở, cơ sở khám chữa bệnh...

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được thì công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đơn cử, kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm còn chưa đáp ứng so với yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn đã được quan tâm, tổ chức thực hiện nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả thấp; việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm còn sai sót…

 Có kế hoạch giảm nghèo cụ thể

Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020 đối với 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, cần rà soát điều chỉnh các chính sách theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo, cộng đồng, giảm mạnh cơ chế cho không đồng thời hỗ trợ cơ chế cho vay. Ngoài ra cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là hộ nghèo, chú trọng các nghề sử dụng nguyên liệu tại chỗ nhằm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người nghèo. Cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện đầu tư và các chính sách giảm nghèo, bảo đảm mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững của người nghèo. Hỗ trợ phát triển sản xuất như: giải quyết đất sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, lâm, ngư và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người nghèo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự quyết tâm của của xã và đặc biệt là từng xã phải xây dựng kế hoạch giảm nghèo thật cụ thể, sát thực với khả năng và tình hình thực tế của địa bàn mình trong từng năm và cả giai đoạn. Cần xác định đúng hộ nghèo, hộ cận nghèo và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo của từng hộ. Hướng dẫn hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và lập danh sách những hộ có khả năng thoát nghèo hàng năm, từ đó xã, thôn, bản có giải pháp trợ giúp cụ thể đối với những hộ đã đăng ký thoát nghèo để họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. 

    
    Mục tiêu   cụ thể của Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn   2016-2020: giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 1-1,2%/năm, giảm từ   13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (20% trở lên) xuống còn 5 xã vào cuối năm   2020, hỗ trợ 7.400 lao động thuộc hộ nghèo được học nghề, tạo việc   làm...

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững: Nên bỏ cơ chế “cho không“ bằng cho vay