Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Bệnh tay chân miệng gia tăng do lơ là, chủ quan

06/11/2017, 09:37

BT- Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương của tỉnh, trong đó, huyện Hàm Thuận Bắc đang là một trong những điểm nóng.

Tính đến cuối tháng 10/2017, toàn tỉnh ghi nhận có 1.117 ca mắc tay chân miệng. Riêng huyện Hàm Thuận Bắc, có số ca mắc bệnh cao nhất tỉnh với 301 ca, tăng 213 ca so cùng kỳ năm 2016. Các ca mắc bệnh xuất hiện hầu hết ở 17 xã, thị trấn trên địa bàn. Những xã có số ca mắc cao là:  Hồng Sơn 35 ca, Ma Lâm 34 ca, Đông Giang 26 ca, Thuận Minh 24 ca, Hàm Chính 22 ca. Tuy số ca nặng không nhiều, không có trường hợp nào tử vong, nhưng số ca nhẹ gia tăng và bùng phát nhanh, gây khó khăn cho quá trình kiểm soát dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Hàm Thuận Bắc cho biết: Trong số ca mắc bệnh có đến 90% bệnh nhân là trẻ em dưới 3 tuổi. Thời điểm mắc cao nhất chủ yếu vào tháng 6, 7, 8. Ngoài yếu tố thời tiết mưa nắng thất thường thì ý thức phòng bệnh chưa cao và tập quán sinh sống của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tăng nhanh. Điều kiện vệ sinh môi trường, nơi ở của nhiều nhà dân không sạch sẽ. Một số phụ huynh vẫn còn chủ quan, lơ là, không dạy trẻ kỹ năng tự vệ sinh cá nhân. Nhiều trường hợp khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh vẫn được cha mẹ cho đến lớp, nhất là ở khối mầm non, dẫn đến lây lan sang các cháu khác.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình bệnh, TTYT huyện đã phối hợp với các trạm y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly điều trị tích cực, kịp thời. Cử các đội chống dịch tập trung xử lý triệt để các ổ dịch, đặc biệt tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học và nơi có trường hợp mắc bệnh. Cấp phát Cloramin B cho các trường học, gia đình có trẻ mắc bệnh để tiêu độc khử trùng, vệ sinh cơ sở hàng ngày. Thường xuyên tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, tuyên truyền để người dân làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn. Đồng thời hướng dẫn người chăm sóc trẻ và trẻ em phải rửa tay thường xuyên bằng nước xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn thông thường.

Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo: hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng, nên phòng ngừa vẫn là phương án hữu hiệu nhất. Từng tổ dân phố, từng hộ gia đình trong cộng đồng, đặc biệt là các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần phải thực hiện 3 sạch: ăn (uống) sạch, đồ chơi sạch và bàn tay sạch. Khi thấy trẻ có những biểu hiện của bệnh như sốt, đau họng, kèm theo xuất hiện những nốt đỏ ở miệng, lưỡi, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không chủ quan hay tự điều trị bệnh theo quan niệm dân gian, tránh dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

 KHÁNH CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Bệnh tay chân miệng gia tăng do lơ là, chủ quan