Theo dõi trên

Hậu Trung thu 2018: Lãng phí lồng đèn!

28/09/2018, 08:41

BT- Sau đêm rước đèn Trung thu (21/9), nhiều chiếc lồng đèn lớn đa màu sắc, hình dạng... đã nằm ở sân các UBND phường, sân trường hoặc ở sân trời…

Khó tái sử dụng

Để hiểu rõ hơn việc sau đêm Trung thu, những lồng đèn lớn sẽ như thế nào, chúng tôi gặp ông Lê Văn Thẩn - Chủ tịch UBND phường Hưng Long (TP. Phan Thiết) cho biết: Sau đêm rước đèn, UBND phường giao 2 lồng đèn lớn cho 2 Trường tiểu học Hưng Long 1 và 2 bảo quản, tránh hư hỏng nhằm tiếp tục trưng bày nhân lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập thị xã Phan Thiết (20/10/1898 – 20/10/2018). Các lồng đèn sẽ tái sử dụng vào năm sau bằng cách thay chủ đề. Cụ thể, năm nay, lồng đèn “Ngô Quyền trên Bạch Đằng giang”, thì năm sau sẽ thay đổi lớp vải, màu sắc bên ngoài bằng hình ảnh “Ngư dân ra khơi” hoặc “Hải quân với biển đảo”. Với lồng đèn tháp Chăm cũng sẽ thay lớp vải, chỉnh sửa sang hình tháp Po Sah Inư, nhằm tiết kiệm tiền làm lồng đèn mới.

                
Lễ hội rước đèn Trung thu 2018 tại TP. Phan    Thiết. Ảnh: Đình Hòa

 Tương tự, 2 lồng đèn lớn (con rồng và đua thuyền) của phường Đức Nghĩa đang đặt tại sân Khu di tích và việc bảo quản hiện nay rất khó khăn. Khi di chuyển, đèn mắc sáng bên trong hư hỏng nhiều, để chuẩn bị trưng bày sắp tới (20/10), sẽ tốn thêm tiền “tân trang” lại cũng như thuê máy nổ. Tỷ lệ tái sử dụng lồng đèn lớn cho năm sau chỉ chiếm 20% (giữ lại đế lồng đèn). Đó là thông tin của ông Đỗ Quốc Bảo (Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa).

Tại sân UBND phường Phú Hài, 2 lồng đèn lớn hình chiếc thuyền và quả địa cầu đặt trước nhà để xe. Bà Phạm Thị Hoàng Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hài cho hay: Ngoài việc trưng bày lồng đèn lớn vào ngày 20/10 tới, sau đêm hội rước đèn, những lồng đèn lớn của phường Phú Hài những năm trước gần như không thể tái sử dụng.

Từ thông tin trên cho thấy, việc tái sử dụng tất cả các khung sườn lồng đèn lớn thay bằng lớp vải mới như phường Hưng Long nói, là chuyện không dễ, bởi mỗi năm đêm hội rước đèn có một chủ đề riêng. Nếu có tận dụng, nhưng không nhiều (phần đế hoặc vài thanh sắc). Tổng chi phí cho đêm hội rước đèn là khoảng 80 - 100 triệu đồng/đơn vị. Tùy thuộc kích thước kiểu mẫu của lồng đèn lớn mà giá tiền dao động 25 - 50 triệu đồng/cái. Nghĩa là càng to, càng cầu kỳ thì tiền càng nhiều. Tất cả bắt nguồn từ việc đóng góp của dân. 

Băn khoăn của dân

Theo Văn bản số 8915 ngày 13/8 của UBND TP. Phan Thiết về tổ chức lễ hội Trung thu năm 2018, có quy định sau: “Mỗi phường, xã làm 1 – 2 lồng đèn lớn. Đối với đơn vị làm 2 lồng đèn lớn thì phân chia cho các cụm trường học thiết kế 1 lồng đèn lớn; cụm các khu phố, thôn thực hiện 1 lồng đèn”. Bên cạnh đó còn có quy định: Sau mỗi lồng đèn lớn là lồng đèn nhỏ của học sinh. Để tìm hiểu về việc làm lồng đèn, chúng tôi trò chuyện với ông Phạm Phúc Thịnh - Chủ tịch UBND phường Phú Tài, ông cho biết: Đa số người dân phường Phú Tài là lao động phổ thông, thu nhập bấp bênh. Doanh nghiệp đứng chân tại phường cũng rất ít. Trong khi đó, mỗi năm các khu phố trong phường phải chịu trách nhiệm vận động không ít loại “quỹ”. Chẳng hạn, “đền ơn đáp nghĩa”, “vì người nghèo”, “chăm sóc người cao tuổi”, “an ninh trật tự”, “phòng chống thiên tai”, “khuyến học”… Vì thế, việc vận động tiền làm lồng đèn trung thu sẽ không hề dễ.

Không riêng gì phường Phú Tài, các phường bạn như: Hưng Long, Phú Hài, Đức Nghĩa… cho rằng vận động tiền làm lồng đèn trung thu sẽ không hề dễ. Bởi sự khó khăn ấy, phường Đức Thắng không thể vận động được, nên nhờ 2 Trường tiểu học Đức Thắng 1 và 2 vận động phụ huynh học sinh nhằm chia sẻ khó khăn.

Tiếp tục, chúng tôi trò chuyện với ông Từ Khắc Minh - Chủ tịch Hội Khuyến học phường Đức Thắng thì ông cũng cho biết: UBND TP. Phan Thiết có kế hoạch quy định phường,  xã làm lồng đèn lớn. Nhưng kế hoạch này ra quá sát Trung thu, thay vì từ đầu năm, vì vậy không tránh khỏi sự bị động cho một số xã, phường. Tôi từng suy nghĩ:  “Sau cứ phải tốn tiền tỷ làm lồng đèn cho đêm Trung thu hàng năm, để rồi sau đó không được tái sử dụng vào năm sau?”.

Bà Phạm Thị Một (phường Đức Thắng) không ngần ngại cho biết: Ngoài việc vận động các quỹ hàng năm, chúng tôi còn vận động tiền tham gia các lễ hội như: đua thuyền, diễn văn nghệ… Đó là áp lực cho chúng tôi.

Nhiều người dân cũng như dư luận cho rằng: Sau đêm hội Trung thu, tốn tiền tỷ, các lồng đèn không được tái sử dụng cho năm sau, là sự lãng phí lớn. Một sự lãng phí khi đất nước còn nghèo, còn bao nhu cầu cần đầu tư trang bị trong nhiều các lĩnh vực, còn bao gia đình cần sự giúp đỡ… Tổ chức đêm hội trăng rằm là đúng, nhưng 2 -3 năm/lần, đồng thời cần vận động các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu Trung thu 2018: Lãng phí lồng đèn!