Theo dõi trên

Hồ bơi di động: Lợi thì có lợi nhưng…

12/04/2019, 09:49 - Lượt đọc: 1,680

 BT- Theo một số thầy giáo dạy bơi ở các trường tiểu học, đứng trước hồ bơi di động, các em sợ đủ thứ sợ nước, sợ độ cao, sợ nước vỡ, sợ chìm nghỉm…

 Loay hoay với “chậu nước” khổng lồ

Năm học 2018 - 2019, có một số trường học hợp đồng với các tổ chức tư nhân có hồ bơi bên ngoài đã thay đổi địa điểm dạy bơi cho học sinh. Nguyên nhân của sự thay đổi đó xoay quanh việc học bơi của học sinh không đạt yêu cầu đề ra và thầy giáo gặp nhiều trở ngại trong quá trình dạy từ hồ bơi lắp ghép. Đó là tình hình ở trường M. của huyện Hàm Thuận Bắc. Năm học 2017 - 2018, trường hợp đồng với 2 cơ sở tư nhân kinh doanh hồ bơi, theo đó học sinh khối 6, 7 học ở cơ sở có hồ bơi bê tông, học sinh khối 8, 9 học ở một hồ bơi lắp ghép hay còn gọi là hồ bơi di động. Kết quả sau một năm học, cho thấy học sinh khối 6, 7 nắm vững các kỹ năng bơi lội như nổi nước, bơi các kiểu bơi ếch, trườn sấp… và thực hành nhuần nhuyễn hơn các anh chị lớp 8, 9, dù thời gian học đều cùng 16 tiết. Kết quả này, thầy giáo dạy thể dục của trường không bất ngờ, vì ngay trong những ngày đầu dạy và học, thầy và trò đã loay hoay với hồ bơi lắp ghép khi không có thành hồ để làm tay vịn cho các động tác bổ trợ như thở nước, đập tay, đạp chân… Thầy giáo quyết định cho học sinh làm những động tác bổ trợ ấy trên cạn, tức trên nền đất rồi sau đó mới xuống nước. Kiểu học lạ này khiến học sinh bỡ ngỡ, còn thầy giáo cũng không kịp quan sát hết để sửa sai cho học sinh.

                
      
Học sinh tiểu học đang khởi động bên 1 hồ    bơi lắp ghép bán kiên cố của hồ bơi Hiền Hương (Hàm Thuận Bắc).

Thế rồi, cuối cùng học sinh 2 khối này cũng biết bơi nhưng vất vả. Đến năm học này, hầu như học sinh lớp 8 năm trước giờ lên lớp 9 đều nói rằng thích học bơi nhưng muốn học ở hồ bơi bằng bê tông. Vì ở đó hồ bơi đạt chuẩn với nhiều mức nước khác nhau, phù hợp với độ cao của từng học sinh để có thể tung tẩy các kiểu bơi đã học được. Hơn nữa, ở đó có không gian cho thư giãn, vệ sinh sạch sẽ chứ không chật chội, tù túng, nhếch nhác như ở hồ bơi lắp ghép vốn được dựng lên chóng vánh như đặt một chậu nước tắm khổng lồ trước sân nhà kia.

Học sinh trung học cơ sở học bơi ở hồ lắp ghép còn vất vả thế, với các em học sinh tiểu học thì nhọc nhằn hơn gấp nhiều lần. Theo một số thầy giáo dạy bơi ở các trường tiểu học, đứng trước hồ bơi này, các em sợ đủ thứ bên cạnh nỗi sợ ban đầu là nước. Đó là sợ độ cao, vì hồ đặt tênh hênh trên mặt đất như một chiếc chậu tắm khổng lồ và muốn vào hồ phải leo qua các nấc thang dễ trơn trượt. Sợ bị vỡ, lượng lớn nước sẽ tràn ra, vì hồ làm bằng bạt, tạo cảm giác như bịch nilon đựng nước. Sợ chìm nghỉm, vì hồ lắp ghép chỉ có một mực nước chung, không có độ chênh từ cạn đến sâu phù hợp với độ cao từng học sinh, lại không có thành hồ để vịn cho những động tác ban đầu… Tuy nhiên, có một nỗi sợ khác mà các em không biết, đó là nước trong hồ lắp ghép ở một số nơi không sạch. Vì nhiều lý do như chủ đầu tư muốn tiết giảm chi phí, hồ ở vùng thiếu nước… Ngoài ra, còn một lý do khác là hồ lắp ghép chỉ dành cho học sinh học bơi, chứ không phải là hồ bơi công cộng nên lượng người tham gia không đều độ, có ngày có, ngày không. Vì thế, chuyện làm vệ sinh, xử lý hóa chất, thay nước định kỳ, có nơi làm tốt nhưng cũng có nơi làm rất qua loa.

Ví dụ, có hồ lắp ghép tại trường chỉ dành cho học sinh trường đó học và suốt một học kỳ như thế có khi cả năm học, họ chỉ tập trung bỏ hóa chất xử lý nước, sục nước vệ sinh hồ đại khái. Còn việc thay nước thì rất hiếm hoi, vì một hồ nhỏ cũng mất 250 khối nước, hồ lớn hơn phải 400 khối nước. Nếu tính giá nước kinh doanh đã mất khoảng 5 - 7 triệu đồng/lần. Mặt khác, nếu hồ ở vùng thiếu nước thì ai cũng hình dung mọi chuyện. Chính vì thế, nhiều học sinh khi xuống hồ bị cảm giác ê buốt răng hay về nhà bị đỏ mắt, ngứa da… Đó là lý do ở những nơi có cơ hội lựa chọn, Ban cha mẹ học sinh đều đề nghị nhà trường cho chuyển sang hồ bơi bê tông công cộng, vừa cho học sinh thực hành tốt nhất môn bơi vừa bảo đảm không bị bệnh ngoài da.

 Hồ bơi bán kiên cố, tại sao không?

Nếu tính từ mốc thời gian UBND tỉnh có Công văn số 5227 vào cuối năm 2017 về xã hội hóa hoạt động dạy bơi cho học sinh để tăng cường biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh thì đến nay đã được gần 2 năm. Như mở lối, bên cạnh nhiều doanh nghiệp, cơ sở chú ý đầu tư hồ bơi công cộng, các trường cũng đã hợp tác với các tổ chức, cá nhân có điều kiện, năng lực để đặt hồ bơi lắp ghép trong khuôn viên trường và tổ chức dạy bơi cho học sinh của trường hoặc cụm trường. Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 5/2018, tại các trường học ở 3 cấp trong tỉnh đã có 32 hồ bơi lắp ghép bên cạnh 77 hồ bơi cộng đồng. Đến hiện tại, chắc chắn con số trên đã nhiều hơn. Đơn giản vì các hồ bơi lắp ghép này có giá thấp nhất khoảng 300 - 400 triệu đồng, cao nhất cũng chỉ khoảng 700 - 800 triệu đồng nên việc đầu tư nhanh chóng, dễ dàng, nhất là chúng được lắp đặt trên đất trường học, không vướng bao thủ tục thường thấy của việc đầu tư. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 100.000 học sinh 3 cấp ở trong tỉnh đã biết bơi, góp phần giảm tai nạn đuối nước trong học sinh. Có một số trường đã có từ 80-100% học sinh của trường biết bơi. Có một số trường đã phối hợp với nhà đầu tư rất linh hoạt trong xây dựng hồ bơi lắp ghép bán kiên cố, tạo thuận lợi cho học sinh học bơi.

Đó là họ không để hồ bơi lắp ghép trên sân trường mà chôn dưới đất rồi đổ bê tông xung quanh, tiếp đó ràng giằng sắt 4 phía, đổ bê tông làm thành hồ vững chắc, mới nhìn như hồ bơi kiên cố. Chỉ khác, hồ bơi kia xây hoàn toàn bằng bê tông trực tiếp dưới đất, còn hồ này được trải bằng bạt có dặm bê tông xung quanh làm thành hồ để tạo thuận lợi cho học sinh có chỗ vịn tay thực hiện các động tác bổ trợ khi học. Giá thành của hồ bơi lắp ghép bán kiên cố này nằm ở khoảng 700-800 triệu đồng, một khoản đầu tư không quá cao lại mang lại hiệu quả trong dạy và học bơi.

Nói chung, qua 2 năm thực hiện xã hội hóa dạy bơi, thực tế mỗi trường làm mỗi kiểu nên có nơi việc dạy và học bơi rất thuận lợi, phụ huynh không ý kiến gì. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những trường chưa quan tâm lắm trong đốc thúc nhà đầu tư chú ý vệ sinh nguồn nước hồ bơi cũng như cách thức của hồ bơi lắp ghép nên thầy và trò không thuận lắm cho việc dạy và học. Vì thế, rất cần một cuộc tổng kết về tình hình xã hội hóa dạy bơi này, nhất là ở các hồ bơi lắp ghép để có hướng nhân rộng những mô hình nào phát huy hiệu quả trên thực tiễn.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồ bơi di động: Lợi thì có lợi nhưng…