Theo dõi trên

Hóc dị vật, nguy cơ gây tử vong

15/03/2017, 09:17

BT- Hóc dị vật là một trong những tai nạn nguy hiểm dễ xảy ra ở trẻ trong khi ăn, khi chơi...  Dù mối nguy hiểm này đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn có không ít trường hợp trẻ bị hóc dị vật.

                
Sơ cứu hóc dị vật họng. Ảnh minh họa

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Được biết, các ca liên quan đến hóc dị vật đến bệnh viện không nhiều, nhưng tại các phòng khám lại thường xuyên tiếp nhận những trường hợp này. Hóc dị vật gặp ở hầu hết các lứa tuổi. Tuy nhiên, dị vật tai - mũi - họng đa số xảy ra với trẻ nhỏ.

Theo bác sĩ Vũ Cao Thiện - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, dị vật tai - mũi ở trẻ nhỏ thường không có triệu chứng ngay. Sau 5 - 7 ngày mới xuất hiện các triệu chứng đau nhức, làm mủ, chảy nước mũi một bên với màu đục, mùi hôi. Trẻ thường nhét hạt sơ ri, giấy, dây thun, hạt nhựa, hạt cườm… vào mũi. Với vật nhỏ tròn trơn nhét vào mũi, khi trẻ hít mạnh sẽ sặc và chuyển từ dị vật mũi thành dị vật đường thở rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng. Đặc biệt, dị vật mũi là pin điện tử đường kính khoảng 1 cm, dày khoảng 2 mm; trong các đồ chơi điện tử như ô tô, điện thoại, thú biết nói… Lúc chơi, trẻ nghịch tháo rời đồ chơi, lấy pin nhét vào mũi. Lâu ngày, vỏ pin hư hỏng, phát tán các thành phần hóa học trong viên pin gây viêm loét mũi, lòi xương. Ngay cả khi đã gắp được cục pin, phần viêm loét vẫn chưa lành hẳn sau 1 tháng điều trị.

Dị vật họng thường được phát hiện kèm triệu chứng oẹ, ói, khóc liên tục; thường là xương cá, loại xương dăm. Có trường hợp, cha mẹ lược xương cá ra khỏi thức ăn cho trẻ, cháu ngồi chơi bên cạnh nghịch bốc xương cho vào miệng và gây hóc. Với trẻ 5 tuổi trở lên, các bé ăn hạt trân châu bằng cách dùng ống hút lớn để hút. Đây là cách ăn nguy hiểm, hút mạnh sẽ chạy thẳng vào thanh quản, bịt thanh quản, có thể gây tử vong đột ngột do tắt đường thở…

 Sơ cứu tại chỗ khi bị hóc

Bác sĩ Thiện khuyến cáo, trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào miệng là những nguyên nhân thường gặp khiến cho dị vật rơi vào đường thở. Dị vật đường thở gây nguy hiểm đến tính mạng, gây đột tử do bệnh nhân không thở được, cần nhanh chóng sơ cứu trước. Bởi trẻ có thể mất máu não, sau 3 - 5 phút bị tắt thở. Chỉ có sơ cứu ngay tại chỗ là điều kiện cứu trẻ nhỏ khi bị sặc thức ăn, nghẹt đường thở. Dùng biện pháp Heimlich gây áp lực đột ngột ở phổi để tống ngược dị vật. Với trẻ nhỏ dốc ngược đầu, trẻ lớn hơn cúi gập người, và vỗ mạnh vào lưng. Mọi người nên trang bị cho mình những kiến thức sơ cấp cứu cơ bản.

Không để các vật dụng, đồ chơi… loại có kích thước nhỏ gần trẻ. Chú ý, không cho trẻ ăn, ngậm các hạt dễ hóc như mãng cầu, đậu phộng, hạt dưa, nhãn, vải… Không cho trẻ ăn hạt trân châu bằng ống hút lớn, phải ăn bằng muỗng. Mãng cầu phải dùng tay nhặt sạch hạt. Trái sapo, vú sữa phải cắt ngang lấy hết hạt trước khi cho trẻ ăn…

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hóc dị vật, nguy cơ gây tử vong