Theo dõi trên

Học được gì sau bão số 9?

29/11/2018, 13:54

BTO- Đến thời điểm này đã có những thống kê cụ thể về thiệt hại sau bão số 9, rất may  là không có thiệt hại về con người. Đây cũng chính là mục tiêu chỉ đạo của tỉnh Bình Thuận trước khi bão đổ bộ là “tất cả các phương án ứng phó với bão đều phải đặt việc bảo đảm tính mạng của người dân lên hàng đầu”.

                       
      Người dân cố gắng buộc lại tàu thuyền khi lũ dâng cao

Bão số 9 tuy không có sức tàn phá như một số cơn bão trước đây, nhưng cả chính quyền lẫn người dân đã rút ra nhiều kinh nghiệm giúp việc ứng phó với bão diễn ra nhanh, hiệu quả. Trên tinh thần trực xuyên đêm để ứng phó bão số 9, Ban chỉ đạo Trung ương đã cùng trực với tỉnh để chủ động và Ban chỉ huy các địa phương cũng sẵn sàng trực chiến để ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Các phương án được triển khai với một tinh thần chủ động, không để những rủi ro, đáng tiếc xảy ra.

Chính quyền đã huy động các lực lượng với đủ mọi phương tiện để lo cho dân, “bằng tất cả các biện pháp” như chỉ đạo của  lãnh đạo tỉnh. Trong khi người dân đã biết cách tự mình “sống chung với bão” thì với chính quyền, phương châm chống bão “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ) đã được triển khai, phát huy mạnh mẽ với sự hợp tác của dân. Nhiều người dân đã được sơ tán, di dời trước khi bão đổ bộ. Các địa phương đã chuẩn bị đủ số lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho người dân tại các nơi tránh trú bão. Tàu thuyền đánh bắt được khẩn trương thông báo từ sớm, vào nơi tránh trú an toàn. Thậm chí, tại một số địa phương, các đồng chí lãnh đạo đã đến các vùng xung yếu trên địa bàn, vận động người dân di dời đến nơi an toàn để tránh trú bão, kêu gọi những người rời tàu trở về nhà sau khi vào bờ, neo tàu trật tự để chống va đập khi có gió mạnh. Loa phát thanh cảnh báo về thời tiết ở các khu dân cư phát liên tục trong những ngày trước bão. Học sinh được nghỉ học… Nhiều câu chuyện tuy nhỏ nhưng rất đậm tình nghĩa như một vài nhà nghỉ ở Phú Quý đã đồng loạt mở cửa để đón người nghèo, người không có chỗ ở, hoặc thuộc diện phải di dời vào tránh trú mưa bão an toàn.

Cơn bão số 9 tuy không đổ bộ trực tiếp vào Bình Thuận, nhưng hậu quả của hoàn lưu bão, mưa lớn kết hợp xả lũ khiến các huyện phía Bắc Bình Thuận thiệt hại nặng nề. Hàng ngàn hecta hoa màu bị ngập nặng, nhiều tàu thuyền vị va đập, chìm và trôi ra biển, nhiều công trình bị sập, Quốc lộ 1A qua Cầu Nam – xã Phan Rí Thành bị tê liệt nhiều ngày liền, nhiều đìa nuôi tôm bị mất trắng vì nước lũ dâng cao… Điều đó cho thấy, ảnh hưởng của cơn bão số 9 không hề đơn giản, nếu không chủ động ứng phó thì thiệt hại sẽ còn tăng gấp nhiều lần.

                
      Dân quân, bộ đội giúp dân sơ tán đồ đạc

Bình Thuận đã “né” được nhiều cơn bão mạnh, nhưng người dân không vì thế mà chủ quan, họ đã tự mình “sống chung với bão”. Đã có kinh nghiệm, hiểu và vào cuộc ứng phó đồng loạt, cấp bách. Cuộc chiến đó diễn ra ở từng gia đình, từng khu phố, từng đô thị, từng vùng biển. Nhà nhà đã chủ động đối phó với bão bằng nhiều cách khác nhau, nhiều thì chằng chống nhà cửa thành một khối, ít thì vài bao cát kéo lên mái nhà. Trong khi đó, bộ đội, công an, dân quân và chính quyền có mặt ở các điểm xung yếu. Mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất trước khi bão đến.

Sau cơn bão số 9, sẽ có thêm nhiều bài học ứng phó với bão. Bởi biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường hơn. Bình quân mỗi năm, nước ta đón hơn chục cơn bão. Còn tại Bình Thuận nếu như trước đây ít bị ảnh hưởng vì bão thì nay bão đã “ghé thăm” nhiều hơn. Do vậy, trước thiên tai, con người chỉ hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản khi toàn dân và từng gia đình vào cuộc, luôn trong tinh thần “sẵn sàng ứng phó”.

Song Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học được gì sau bão số 9?