Theo dõi trên

Học trò nghèo quê tôi với năm học mới

30/08/2017, 08:44

BT- Vậy là 2 tháng hè đã trôi qua, học sinh các trường chuẩn bị bước vào năm học mới. Cha mẹ các em vất vả lo toan: Tiền quần áo, giày dép, sách vở, đồ dùng học tập và tiền trường.

Trẻ nhỏ cũng bươn chải kiếm tiền

Tuy mới học lớp 4 nhưng bé Dũng đã có thâm niên bán vé số 3 năm. Nhìn cu cậu người nhỏ thó, đen nhẻm, duy có cái miệng luôn mỉm cười và mời chào khách rất khéo. Vì thế, em bán cũng được gần 100 tờ/ngày. “Trừ tiền ăn hộp cơm trưa, mỗi ngày con cũng đưa cho mẹ được 80.000 đồng cô ạ. Giá như ghe của ba con đi biển có cá, nhà con cũng đỡ khổ”.

Cô bé Thúy, Hoa và Thủy lại cùng mẹ vá lưới. Đôi bàn tay các em đan cứ thoăn thoắt như một người thợ chuyên nghiệp, lành nghề. Công việc tuy không vất vả lắm, nhưng phải ngồi suốt ngày ngoài lều, nên em nào mặt cũng đỏ gay, rám nắng. Khác với các bạn, Dung, Tuyền lại đi rửa chén, bưng tô cho quán ăn sáng gần nhà. Mỗi buổi các em cũng nhận được 20 ngàn đồng tiền công. “Tiền các con đưa về tôi cho cháu bỏ heo, ít hôm nữa đập heo mua sắm đồ để vào năm học mới”. Chị Phương ở Phước Lộc chia sẻ: “Năm học mới đã đến gần mà chưa lo được tiền cô ạ, đang đợi ba nó đi biển vào xem sao. Cận ngày quá thì tôi đi vay tiền lo cho con chứ biết làm sao, đâu phải một đứa, nó còn anh chị học cấp 2, 3 nữa. Nặng gánh nhất là tiền bảo hiểm cô ạ, mỗi năm mỗi tăng lo cũng đuối”. Rồi chị kể, cả tháng ba tụi nhỏ lênh đênh trên biển nhưng cũng chỉ kiếm được dăm triệu đồng, có chuyến đi vào lỗ tiền dầu, coi như công cốc. Thường thì, chị đi làm từ sáng sớm đến đêm khuya mới về, mỗi ngày cũng được gần 200.000 đồng, đủ lo đắp đổi qua ngày chứ không dư dả gì. Chưa nói đến mùa bấc, không có việc làm, chủ yếu vay mượn để ăn qua ngày. Nói rồi chị hồ hởi khoe: “Cũng may bé Dũng chịu khó, biết thương ba mẹ nên hè đi bán vé số, cháu dành dụm được gần 1 triệu đồng, nói để mua quần áo, sách vở”.

Còn gia đình em Tuấn, bố mất sớm, mẹ làm quần quật đủ thứ nghề ở cảng để lo cho 3 đứa con đi học. Tiền kiếm được hằng ngày chi tiêu một cách tằn tiện cũng không đủ, thì lấy đâu tiền mua sắm và đóng học phí cho con. “Lo không nổi, tôi muốn đứa lớn nghỉ học, nhưng vì học giỏi, ham học, cháu năn nỉ mẹ cho được đi học, xót lòng thấy không nỡ. Tôi vừa đi vay 3 triệu đồng về lo cho chúng. Quần áo, sách vở có thể dùng đồ cũ, nhưng tiền mua đồ dùng học tập và tiền đóng bảo hiểm, tiền học phí phải có. 3 triệu đồng vay nơi này, một tháng phải trả 3 trăm ngàn đồng lãi đó cô”. Nghe mẹ nói, cô bé Thảo năm nay vào lớp 9 đưa cho mẹ gần 1 triệu đồng: “Mẹ phải thêm vào cho con mới đủ đóng tiền học phí và bảo hiểm”. Được biết đây là số tiền cô bé dành dụm được, nhờ tham gia đội múa ở các đám cưới…

Chung tay san sẻ cùng gia đình nghèo

Vài năm trở lại đây, ở các trường từ trung học cơ sở đến các trường tiểu học trên địa bàn thị xã La Gi, nhà trường đã huy động thành lập tủ sách dùng chung. Cứ vào cuối mỗi năm học, các lớp kêu gọi học sinh và phụ huynh ủng hộ sách giáo khoa cũ cho nhà trường. Thư viện nhận, lựa chọn và phân loại. Các lớp lập danh sách học sinh có nhu cầu mượn để phát sách cho các em. Vào năm học mới, khi phụ huynh đăng ký cho con vào lớp 1, nếu có nhu cầu nhà trường sẽ cho mượn luôn bộ sách… Rồi một số trường, phát động thu gom quần áo cũ, giáo viên lựa chọn những bộ còn mặc được cho học sinh nghèo. Nhiều giáo viên, quyên góp giày dép cũ của học sinh lớp trên, phát cho học sinh nghèo lớp dưới… Rồi những suất học bổng “Tiếp sức đến trường”, mở đợt “Nhịn quà sáng một ngày” vì bạn nghèo, vận động các nhà hảo tâm… nhiều phần quà được trao kịp thời. Bên cạnh đó, Hội chữ thập đỏ ở các trường liên hệ với xã, phường nơi học sinh nghèo cư trú, xin bảo hiểm y tế cho các em…

Với hoạt động hỗ trợ từ nhiều nguồn một cách thiết thực, đã làm vơi đi phần nào nỗi nhọc nhằn trên con đường đến trường của những học trò nghèo vùng biển quê tôi.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học trò nghèo quê tôi với năm học mới