Theo dõi trên

Hòn Cau điểm đến của “sứ giả đại dương”

22/01/2017, 10:54

 BT- “Trên bãi biển Hòn Cau, 4 năm qua, rùa vẫn đều đặn lên bờ đẻ trứng. Hòn đảo nhỏ này là một trong những điểm đến hiếm hoi của những “sứ giả đại dương” trên dải đất hình chữ S”...  Anh Trần Công Lập - Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát - Khu Bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau chia sẻ.

                
Hòn Cau với những bãi biển và dải cát hoang    sơ. Ảnh: Đình Hòa

 “Sứ giả đại dương”

Đảo Hòn Cau thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, cách bờ biển 9 km, với phong cảnh hoang sơ, quyến rũ. Ở đây có bãi cát trắng ôm ấp hàng ngàn khối đá với nhiều màu sắc và hình thù độc đáo. Trứng rùa nở được cũng nhờ sức nóng của cát nên đây thực sự là điểm lý tưởng để rùa đẻ trứng. Đặc biệt rạn san hô dày đặc là nguồn thức ăn chính của rùa biển. Bắt đầu từ năm 2013, cán bộ khu bảo tồn phát hiện 3 cá thể rùa biển lên bờ đẻ trứng. Từ đây, Ban Quản lý KBTB đã cử 4 cán bộ tham gia học tập kinh nghiệm bảo vệ và bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Qua học tập kinh nghiệm, ban quản lý đã triển khai công tác theo dõi và phát hiện rùa lên bờ đẻ trứng, để chăm sóc các ổ trứng  nhằm nhân rộng loài quý hiếm này. Mỗi cá thể rùa đẻ khoảng 80 - 100 trứng/lần.

Qua các năm, số cá thể rùa biển trở lại sinh sản đạt tỷ lệ cao, năm 2016 đã có 13 cá thể rùa mẹ vào bờ sinh sản. Trong tổng số 1.195 trứng, thì có đến 777 trứng nở. Một chu kỳ sinh sản, rùa thường đẻ khoảng 1 - 3 lần. Nếu bảo vệ, chăm sóc trứng tốt, tỷ lệ nở con đạt khoảng 80%. Sau khi ra khỏi vỏ, rùa con liền bò ra biển theo bản năng để về với đại dương mênh mông. Điều kỳ diệu là khi đến tuổi sinh sản, khoảng 30 – 35 năm tuổi, rùa biển lại tìm về chính nơi mình sinh ra để đẻ trứng. Anh Lập mách nước: “Không phải lúc nào rùa bò lên bãi cũng đẻ, có khi bò lên 4 - 5 lần “thám thính”, khi tìm được địa điểm ưng ý, nó mới đào một hố sâu cả nửa mét, đẻ vào đó rồi lấp cát lại. Rùa biển chỉ tìm đến những vùng biển hoang sơ để sinh sản, bởi vậy được các nhà khoa học ví là thước đo sự trong lành của biển. Rùa biển được ưu ái gọi bằng cái tên “sứ giả đại dương””.

 Đội “đặc nhiệm” bảo vệ rùa

Trước đây, ngư dân gần như không ăn thịt, thậm chí còn “kiêng” rùa biển. Thuyền đi đánh bắt mà gặp rùa là quay về vì họ cho rằng rùa mang lại điều không may mắn. Về sau, một số người bắt, xẻ thịt và chế biến thành những món ăn đặc sản. Dần dần, người dân phát hiện ra trứng rùa ngon nên thường đi “săn” các ổ trứng về ăn hoặc bán. Theo anh Lập, quanh đảo Hòn Cau có một vài đối tượng chuyên săn trứng rùa biển để bán với giá khoảng 50 ngàn đồng/trứng. Đối tượng nào may mắn gặp được ổ khoảng 100 trứng thì giá bán lên đến 5 triệu đồng. Do vậy, để hạn chế  việc “săn” trứng rùa biển, hàng năm từ tháng 5 đến tháng 11, Đội tuần tra kiểm soát của Ban Quản lý KBTB Hòn Cau có mặt 24/24h ở đảo. Tuy nhiên, để công tác bảo vệ rùa biển hiệu quả hơn, Ban Quản lý KBTB Hòn Cau đã thành lập đội tình nguyện bảo vệ rùa. Cứ khoảng tháng 5, khi những cơn dông đầu mùa nổi lên thì rùa vào bãi đẻ. Đến mùa này, nhóm tình nguyện viên thay nhau túc trực để kiểm tra, theo dõi rùa có về đẻ hay không. Thậm chí, nhiều lần các anh còn làm “hộ sinh” cho những “cô” rùa đẻ khó. Khi phát hiện ổ trứng, mọi người đánh dấu và tổ chức bảo vệ. Tháng 8, tháng 9, những ổ trứng bắt đầu nở, nhóm tình nguyện lại túc trực, ghi chép tỷ lệ nở trứng và giúp rùa con ra biển.

                              
Trứng rùa
   
Khoảnh khắc rùa con về với biển.

Tình nguyện viên Nguyễn Văn Phong cho biết, khi gia nhập đội tình nguyện, công việc bảo vệ, chăm sóc rùa biển trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của anh. “Lâu ngày rồi việc chăm sóc trứng rùa biển cũng trở nên thân quen và yêu mến như công việc đánh bắt hải sản. Tôi thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân về loài động vật ghi trong sách đỏ cần được bảo vệ cấp bách này”.

Ông Huỳnh Văn Thải – Trưởng Ban Quản lý KBTB Hòn Cau cho biết, để thu hút cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn rùa biển, vào tháng 5/2016, dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại KBTB Hòn Cau” ra đời, với mục tiêu ngăn chặn sự gia tăng và giảm thiểu các mối đe dọa đối với các bãi đẻ của rùa biển tại KBTB Hòn Cau có sự tham gia của cộng đồng. Dự án sẽ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn môi trường biển cho phát triển du lịch sinh thái trong tương lai, hướng tới nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân quanh khu bảo tồn thông qua các mô hình sinh kế.

Theo Ban Quản lý KBTB biển Hòn Cau, năm 2013 phát hiện có 3 cá thể rùa lên bờ đẻ trứng, bảo vệ thành công 154 trứng, nở 108 rùa con. Đến tháng 6/2014 bảo vệ thành công tiếp 3 trong số 10 ổ trứng do rùa biển đẻ. Tháng 6/2015 bảo vệ thành công 74 trứng rùa, sau 51 ngày ấp tự nhiên đã có 53 trứng nở. Năm 2016, có 13 cá thể rùa mẹ vào bờ sinh sản. Trong tổng số 1.195 trứng, thì có đến 777 trứng nở.

Thu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hòn Cau điểm đến của “sứ giả đại dương”