Hương vị cốm tết
Hương vị cốm tết
BT- Thị trấn Phú Long những ngày
giáp tết không khí sôi động hẳn. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận đó là mùi thơm
ngào ngạt của bỏng nếp đủ lửa theo gió phảng phất len lỏi đến từng ngõ ngách các
khu phố.
 |
Cơ sở rang nổ của bà Sáu. |
Khi cơn gió bấc từ biển bắt đầu thổi
về khoảng chừng từ tháng 10 âm lịch, các lò rang nổ đã đỏ lửa 3 giờ sáng đến tận
nửa đêm nhằm cung ứng cho các cơ sở đóng cốm trong và ngoài tỉnh phục vụ tết.
Các khu phố Phú Cường, Phú Hòa, Phú Trường hiện của thị trấn Phú Long (Hàm Thuận
Bắc) có khoảng 40 cơ sở rang nổ nếp, vì thế không khó để nghe tiếng hạt nếp rang
nổ reo tí tách, mùi thơm nức mũi của loại nếp mới. Nghề nổ nếp ở thị trấn Phú
Long có từ lâu đời và trải qua bao năm tháng vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đơn sơ,
bình dị nghề truyền thống ở làng quê. Cái se lạnh của cuối đông quyện với ánh
lửa bập bùng của những lò rang nổ như đưa hương xuân về rất gần.
Cơ sở rang nổ của bà Võ Thị Sáu –
khu phố Phú Cường đã nổ nếp hơn 1 tháng nay. Bà Sáu nói: “Chừng 25 tháng chạp là
lò rang nổ kết thúc công việc thời vụ tết, dù vất vả nhưng bù lại có thu nhập
mua sắm tết, mấy chị trong xóm xúm xít làm công có đồng ra, đồng vào”. Qua lời
kể bà Sáu nghề làm nổ nếp được ông cha truyền lại cho bà đến nay đã 30 năm.
Trước đây, chủ yếu làm thủ công rất vất vả, nay các công đoạn đều được đầu tư
máy móc nên cũng đỡ cực hơn. Cơ sở của bà Sáu hiện vẫn duy trì 7 người làm việc,
tất cả đều tất bật, cười nói vui vẻ. Bên bếp lửa hừng hực đỏ, một người phụ nữ
vận đồ bảo hộ mặt bịt kín khăn, tay mang bao tay vải thoăn thoắt đổ từng thúng
nếp vào chảo lửa rang. Hạt nếp đủ lửa nổ tách tách vui tai, bung bông trắng ngần
nhìn rất đẹp mắt. Khi nếp nổ bung vỏ thóc vàng bên ngoài được đổ vào thúng, 2
người phụ nữ đứng bên chuyền tay nhau những thúng bỏng đổ vào máy sàng để lọc vỏ
trấu. Đến công đoạn này nổ đã phô ra một màu trắng ngần rồi, nhưng để chất lượng
nếp nổ đồng đều phải cho vào máy xảo, lọc bớt hạt nhỏ. Công đoạn cuối cùng là
thuê người nhặt những hạt bung chưa đều, vỏ mày còn sót lại rồi mới đóng bao và
xuất đi.
Cũng theo bà Sáu, công đoạn quan
trọng không kém rang nổ là chọn nguyên liệu, phải dùng nếp hạt dài và giống nếp
3 tháng nếp thơm mới cho hạt nổ chất lượng. Để có những bông nổ đẹp, trước khi
rang nếp phải trộn đều với nước phèn chua làm cho hạt nếp ướt sau đó đem hong
cho khô. Trong quá trình rang yêu cầu người phải có kinh nghiệm, bỏ lượng trấu
vừa phải vào lò để ngọn lửa cháy không quá lớn và phải đảo nhanh tay không mẻ
nếp cháy hỏng hoặc chưa tới. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid - 19 nên số lượng
khách đặt nổ đóng cốm có giảm hơn so với mọi năm. Cơ sở rang nổ của bà Sáu chỉ
nổ 9 tấn nếp, giảm 1 tấn so với năm ngoái. 9 tấn nếp cho ra thành phẩm khoảng
chừng 6 tấn nổ, giá dao động từ 30.000 đồng/kg lúa hạt dài, 60.000 đồng/kg đồng
nếp 3 tháng. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà còn được khoản thu nhập kha khá.
Không riêng gì cơ sở bà Sáu, nhiều
lò rang nổ ở thị trấn Phú Long hoạt động hết công suất chuyển thành phẩm đến các
cơ sở đóng cốm trong tỉnh như Phan Thiết, Mũi Né, Phan Rí Cửa, Hàm Tân, La Gi.
Nhiều cơ sở còn mở rộng thị trường ra các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Vũng Tàu…
Tại khu phố Phú Trường, hộ gia đình bà Phạm Thị Tiến gắn bó với nghề đóng cốm
lâu năm. Bà Tiến thu mua nổ ở một vài cơ sở tại thị trấn, sau đó đóng cốm bán
trong và ngoài tỉnh. Tùy theo nguyên liệu nếp mà một hộc cốm có giá khác nhau,
dao động từ 15.000 - 45.000 đồng/hộc. Từ tờ mờ sáng bà Tiến đã dậy ngào đường,
thắng đường cùng trái thơm theo tỷ lệ định ước sẵn cho đến khi nước đường ngả
màu vàng sánh mới thả gừng đã giã nhuyễn vào. Mùi cay nồng của gừng hòa quyện
với mùi thơm ngào ngạt của nếp tạo nên hương vị rất riêng. Vị béo, mềm dẻo của
nếp, vị ấm nồng của gừng, của thơm màu sắc bắt mắt của các loại giấy gói cứ thế
xao xuyến lòng người. Mỗi độ xuân về, ai xa quê cũng bồi hồi nhớ hương cốm thơm
nồng khó quên!
Thanh
Duyên