Theo dõi trên

“Khát” nước sạch ở Thuận Hòa

23/04/2019, 08:58 - Lượt đọc: 24

“Lấy mình, mình về gánh nước cho”

BT- Đã giữa tháng 4, ở vùng thiếu nước Thuận Hòa oi bức không thể tả bằng lời. Hai bên đường quốc lộ 28 là những vạt rừng khộp trụi lá, những mái nhà nhỏ đóng cửa im lìm, vắng ngắt. Chắc là người dân đang nghỉ trưa. Tuy nhiên, suy đoán của tôi đã sai, sau khi gặp chị Hoàng Thị Lịch, lúc vừa đạp xe chở can nước 30 lít về đến nhà. Khi vừa đặt can nước xuống, chị đã vội rót ra ly uống, cứ như đây nước uống đóng thùng. Thấy tôi chần chừ nhìn ly nước, chị hiểu ý và phân bua rằng: Ở vùng đồng bào dân tộc nghèo vẫn luôn thiếu nước từ thế hệ này sang thế hệ khác, nước máy đã tuyệt vời, chỉ sợ không có nước để uống. Cả xóm này đều sắp xếp đi mua nước từ sáng sớm rồi lên rẫy làm cả ngày, hoặc đi làm thanh long cho các xã bên, tối mịt mới về. Nhà chị không mua kịp, nên giữa trưa chị phải chạy về đi mua nước. Không có tiền và cũng không có thùng lớn trữ nước như những nhà khá giả hơn. Mỗi ngày, chị mua 3 can (30 lít/can) nước giếng, cách nhà khoảng 3 km với khoảng 3.000 đồng dành cho 4 người để uống, nấu ăn; còn giặt giũ, tắm rửa thì có nước giếng tại nhà. Chị dẫn tôi ra xem giếng nước mà 7 năm trước, hai vợ chồng phải tích lũy tiền từ đi làm thuê, làm mướn mới đào được, nhưng khi có nước lại bị nhiễm phèn, vôi. Nhớ lúc ấy, 2 vợ chồng buồn mấy ngày, nhất là ông xã chị. Nhìn xuống giếng thấy nước trong, nhưng khi xách nước lên, rửa mặt, tôi cảm nhận độ rít. Và hiểu hơn khi nhìn quần áo nhà chị đang phơi trên bờ rào đã ngả màu. Hỏi ra mới biết phía sau chuyện nước nơi này là chuyện duyên nợ của anh chị. Vì để có người gánh nước cho, mà chị chịu lấy anh.

                
Cánh đồng cháy khô xã Thuận Hòa do thiếu    nước.

Thuở ấy, khi chị mới 14 tuổi đã được ba mẹ phân công đi gánh nước về cho cả gia đình dùng. Thời điểm nắng nóng như hiện giờ, cả làng cùng đi lấy nước nên cũng vui. Cứ từng tốp men theo dòng suối khô ngược lên phía hình thành hồ Sông Khán bây giờ tính ra cũng khoảng 4 km, để gánh nước. Hình dung lúc 3 giờ sáng, thân gái đi tìm nước rồi phải gánh nước về sao cho đủ cả gia đình dùng không đơn giản. Có người, lúc lấy nước thì đầy gánh nhưng về đến nhà thì không còn bao nhiêu; vì khi gánh đi như chạy, nước bị xốc văng ra ngoài. Nỗi khổ ấy kéo dài vài mùa khô sau đó. Rồi chị gặp anh Lương người cùng xã ngỏ lời: “Lịch có thích mình không? Nếu chịu cưới mình, mình về gánh nước cho!”. Thật lòng mà nói, chị vui mừng và đồng ý ngay. Sau khi cưới nhau, anh chỉ gánh nước giúp chị trong vòng 10 ngày và nói lời động viên: “Em ơi, em thay anh gánh nước nha! Để anh ra đồng và lên rừng kiếm cái ăn!” Mà hình như anh áy náy chuyện ấy nên mới hy vọng đổ dồn vào việc đào giếng. Rồi thất vọng! Chị lại ám ảnh nhưng vẫn phải tiếp tục hành trình đi tìm nước uống mãi đến giờ, chỉ khác không còn gồng gánh như thuở đôi mươi. Chị băn khoăn: “Không hiểu sao trên địa bàn xã có 2 hồ chứa nước lớn mà dân trong thôn Dân Hiệp này vẫn luôn bị thiếu nước sinh hoạt”. 

Nợ tiền nước

Tôi đem điều ấy nói chuyện với bà Lê Thị Hòa - Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa. Ở vị trí người đứng đầu chính quyền xã, bà còn tâm tư nhiều hơn. Không cần lật sổ sách, bà nói một hơi như đã nằm lòng: Xã Thuận Hòa hiện có hơn 340/1.706 hộ dân phải mua nước giếng, nước máy với giá cao khi mùa khô đến. Dù có 2 hồ thủy lợi nằm trên địa bàn, nhưng chỉ có 1.000 ha đất sản xuất có nước. Còn lại hơn 2.000 ha, chủ yếu dựa vào nước trời trồng mè, đậu… Vì thế, năm nào UBND xã cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ thiệt hại 500 - 700 ha diện tích sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã là 169 hộ; trong đó số hộ nghèo của thôn Dân Hiệp là 119/342 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 35%. Đó là lý do, mà người dân nơi này mang nhiều khoản nợ. Nợ phân, nợ giống… và cả nợ tiền nước.

                
Một điểm bán nước tại xã Thuận Hòa.

Hôm ấy, đi qua thôn Dân Trí, người đàn bà bán nước giếng than thở với một số người khác: “Trời ơi, có ai đòi nợ tiền nước đến 5 triệu đồng không! Thì nhà đó, cách đây mấy căn thôi. Cha mẹ đi suốt ngày, bỏ mấy đứa nhỏ ở nhà, tôi thấy tội nên cứ bán và nợ đến chừng đấy”. Ai cũng khen chị nhân từ: “Ừ thiếu gì, chứ thiếu nước làm sao chịu nổi.”

Thực tế, hồ Sông Quao nằm trên địa bàn xã tiếp nước cho hàng ngàn ha cánh đồng lúa bạt ngàn và vườn thanh long xanh mướt của các xã thuộc hạ lưu. Bên cạnh đó là hồ Sông Khán tích nước khoảng 1,75 triệu m3, tổng chiều dài gần 9.000m theo nguồn chảy đến các tuyến kênh chính và nhánh. Trong sớm mai, tiếng chim hót lảnh lót xen lẫn dòng nước chảy róc rách vang vọng kênh dẫn nước, làm cho tôi cảm nhận sự dồi dào về nguồn nước thô ở đây. Ấy thế mà, người dân Thuận Hòa vẫn không có nước sinh hoạt để sử dụng, để rồi hàng ngày đi mua từng can nước,  rối chắt chiu từng giọt. Phải chăng là điều nghịch lý? 

Dự án nước treo 12 năm

Không phải Thuận Hòa không được quan tâm! Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Ý ký kết thực hiện nhiều dự án liên quan đến dân sinh ở một số tỉnh, thành trong đó có Bình Thuận. Tại tỉnh đã có dự án xây dựng Nhà máy nước Hàm Thuận Bắc công suất 10.000 m3/ngày đêm; khai thác nguồn nước thô từ hồ Sông Quao để phục vụ nước sạch cho hàng chục nghìn hộ dân của 13 xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc. Năm 2007, UBND tỉnh phê duyệt hợp phần dự án này, dự kiến tổng kinh phí đầu tư của dự án hơn 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này đến nay vẫn còn trên giấy. Theo Trung tâm Nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận, trước đây, trung tâm dự định lên kế hoạch xây dựng nhà máy nước sạch, khai thác nguồn nước thô từ hồ Sông Khán để phục vụ nước sạch cho xã Thuận Hòa. Tuy nhiên, dự án hợp phần Nhà máy nước Hàm Thuận Bắc xuất hiện và mãi cho đến nay chưa thực hiện được.

UBND xã vận động mạnh thường quân và được Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ hơn 20 giếng nước tập thể cho người dân nhằm giải quyết phần nào nhu cầu bức thiết về nước, nhưng có giếng không dùng ăn uống được do nhiễm vôi, phèn, có giếng cạn nước vào mùa khô. Những hộ đi rừng làm rẫy, thường sử dụng nguồn nước suối để uống. Ngoài dự án thu hồi đất tại địa phương đưa vào quy hoạch làm trạm điều áp và tăng áp phục vụ nhà máy nước sạch, thì chính quyền xã, người dân đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng thiếu nước, nhưng đến nay người dân vẫn mong chờ.

Niềm khát khao có được nguồn nước sạch sinh hoạt của người dân xã Thuận Hòa luôn hằn sâu trong tâm trí bao thế hệ, một sự mong chờ thường trực trong bữa ăn, giấc ngủ! Vợ chồng chị Lịch thường nói với nhau: Ước gì đường ống nước kéo ngang qua nhà, vợ chồng mình, nếu có đi vay tiền cũng phải kéo được nước sạch về. Để một ngày lên rẫy không còn lo chuyện nước.

    
    Xã Thuận   Hòa hiện có hơn 340/1.706 hộ dân phải mua nước giếng, nước máy với giá   cao khi mùa khô đến. Dù có 2 hồ thủy lợi nằm trên địa bàn, nhưng chỉ có   1.000 ha đất sản xuất có nước. Còn lại hơn 2.000 ha, chủ yếu dựa vào   nước trời trồng mè, đậu…

T.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Khát” nước sạch ở Thuận Hòa