Theo dõi trên

Khi đoàn viên “hiến kế” ứng phó với biến đổi khí hậu

11/10/2018, 09:01

BT- Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương. Trong lĩnh vực lao động và xã hội, các vấn đề được xác định sẽ chịu nhiều tác động của BĐKH như lao động, việc làm; tình trạng nghèo đói và công tác giảm nghèo; gia tăng nhu cầu trợ giúp xã hội và vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em. BĐKH đang và sẽ tiếp tục là thách thức làm cản trở, kìm hãm quá trình phát triển bền vững và thành quả giảm nghèo của Việt Nam.

Dưới góc độ là 1 đoàn viên thanh niên, đoàn viên Mai Hồng Đăng - Chi đoàn Huyện ủy Bắc Bình đã đưa ra một số giải pháp nhằm ứng phó với BĐKH và đạt giải 3 trong cuộc thi viết Chung tay ứng phó với BĐKH do Ban điều phối dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH tỉnh tổ chức.

Với giải pháp mà Mai Hồng Đăng đưa ra chính là thiết kế hệ thống cơ sở hạ tầng làm thế nào phù hợp “kịch bản” BĐKH, khả năng chống chịu của hệ sinh thái, khả năng chống chịu của những công trình bảo vệ môi trường, trong bối cảnh nước biển dâng, nhiệt độ tăng, những hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngoài kịch bản BĐKH ra còn phải hình dung được mức độ tác động, xu hướng tác động, những tác động chính để thích nghi, sống chung, thay đổi, chuyển đổi. Muốn thích ứng với BĐKH, chúng ta phải đẩy mạnh khôi phục rừng, tập trung tại những khu rừng nghèo hoặc những khu vực đã mất rừng để bảo vệ đất, giữ nước. Tăng cường bảo vệ những diện tích rừng hiện còn, nhất là những khu rừng nguyên sinh mà ở đó, tầng đất mặt với lớp mùn có tác dụng như một bể chứa nước lớn, điều tiết dòng chảy lũ trong mùa mưa và tăng dòng chảy cho mùa cạn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động định canh, định cư, cải thiện và nâng cao đời sống cũng như thay đổi tập quán của người dân, đặc biệt là các dân tộc ít người.

Tiếp tục việc bê-tông hóa hệ thống kênh mương dẫn nước, nhằm giảm tổn thất nước do quá trình thấm ra bờ kênh, diễn ra suốt chiều dài kênh mương. Triển khai việc tưới ẩm, tưới nhỏ giọt trên những diện tích phù hợp. Đây là biện pháp tiết kiệm nước tưới đặc biệt hiệu quả, nhưng lại là một giải pháp công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nên chỉ thích hợp đối với khu vực sản xuất lớn, chuyên môn hóa, tập trung. Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện của nguồn nước mà đem lại hiệu quả cao. Trong công nghiệp, cần phải đặc biệt áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước như: tiết kiệm nước bằng cách ưu tiên tái sử dụng nước (sử dụng nước tuần hoàn). Cải tiến công nghệ thân thiện với môi trường và tiết kiệm nước. Trong sinh hoạt, tiết kiệm nước bằng cách nâng cao chất lượng đường ống dẫn nước, bảo đảm không bị rò rỉ...

Ngoài ra, Mai Hồng Đăng còn nhận thức rằng biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển vùng theo hướng hiệu quả, bền vững, điều chỉnh hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp; coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý.  Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ... Trên cơ sở đó, việc lập quy hoạch tổng thể vùng phải theo hướng tích hợp đi trước một bước và làm tiền đề cho việc xác định các ưu tiên phát triển, cũng như các chương trình, dự án cụ thể…

H.C



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi đoàn viên “hiến kế” ứng phó với biến đổi khí hậu