Theo dõi trên

Khổ vì thiếu nước sạch sinh hoạt

03/04/2018, 09:24

BT- Nhiều năm qua cứ vào mùa khô, hàng trăm hộ dân tại xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam) phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Người dân đã phải mua nước với giá đắt đỏ về sử dụng.

                
Hồ Tà Mon cạn khô.

Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Hàng năm cứ đến mùa khô, đặc biệt khoảng cuối tháng 2 đến tháng 3, nhiều khu vực ở xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam thiếu nước trầm trọng khi các giếng khoan, hồ nước cạn khô. Người dân không biết làm gì hơn ngoài việc mua nước sử dụng.

Mùa khô năm nay, chúng tôi lại bắt gặp người dân “than thở” về tình trạng thiếu nước. Ông Huỳnh Trường Giang, thôn Tà Mon chia sẻ: Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nước hồ Tà Mon nhưng hồ hiện đang cạn khô, còn khoan giếng thì không có nước nên phải đi mua nước.

Hồ Tà Mon - được ví như bầu sữa mẹ nuôi sống người dân bao đời quanh hồ được hình thành từ năm 1995, có dung tích chứa 0,71 triệu m3 nước, chủ yếu phục vụ cho sản xuất. Nhưng vì khoan giếng không có nước, nên người dân sống quanh hồ lấy nước hồ về sinh hoạt trong gia đình. Những năm gần đây, diện tích thanh long ngày càng mở rộng, hồ Tà Mon luôn trong tình trạng cạn kiệt. Thôn trưởng Tà Mon Trần Văn Công cho biết, nói đến nước là bức xúc lắm. Nhiều gia đình khoan giếng nhưng không có nước, lấy nước hồ về sinh hoạt nhưng hồ cũng khô nước, mong Nhà nước sớm quan tâm.

Người dân sống gần hồ Tà Mon đã thiếu nước, còn những người sống xa hồ hoặc khu vực khác cũng không khá hơn. Nhiều giếng khoan, khoan sâu đến 30 - 40m, thậm chí 70 - 80m cũng không có nước. Gia đình nào may mắn khoan được giếng có nước, nhưng cũng không vui vì nhiễm phèn. Chị Lâm Thị Hồng Ngọc và anh Võ Văn Ba cách hồ Tà Mon khoảng 1 km cho biết, năm nào cũng cứ vào tháng này phải mua nước vì giếng khoan không có nước. Chị Đỗ Thị Hồng (thôn Lập Phước) khoan được giếng có nước, nhưng nhiễm phèn, chị cho biết nhà tôi may mắn lắm khoan giếng mới có nước, chứ nhiều nhà khác khoan 4 - 5 chỗ mà không có. Dù nước nhiễm phèn, phải khử mới sử dụng được, nhưng dù sao đỡ hơn không phải mất tiền mua nước sinh hoạt. 

Ảnh hưởng cuộc sống

Phần lớn người dân xã Tân Lập hiện nay chưa tiếp cận được với nguồn nước sạch, ngoại trừ một số hộ ven QL 1A đoạn từ cầu Ông Hạnh đến gần UBND xã Tân Lập được sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước Hàm Thuận Nam.  Dân cư còn lại phải phụ thuộc vào nước giếng và hồ Tà Mon. Gia đình khá giả còn có khả năng mua nước sử dụng, còn gia đình khó khăn phải đi xin nước hoặc đi mua chịu nước về sử dụng khi nào có tiền mới trả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lộc - Chủ tịch UBND xã Tân Lập xác nhận về tình trạng thiếu nước trầm trọng tại xã. Ông cho biết, phần lớn xã Tân Lập chưa có hệ thống nước sạch, người dân chủ yếu sử dụng bằng nước giếng, nước hồ, đôi khi không có nước sử dụng phải đi mua hoàn toàn. Chính quyền xã cũng đã kiến nghị lên các cấp nhiều lần nhưng chưa có cách giải quyết. Chúng tôi hy vọng dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam đi qua xã, hình thành khu tái định cư, có thể đầu tư hệ thống nước.

Và không chỉ Tân Lập, hiện còn nhiều khu vực khác cũng đang trong tình trạng nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, người dân không có nước để sinh hoạt.

    
    Giám đốc   Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Lý Hữu Phước cho biết, trước đây UBND   tỉnh có chủ trương cấp nước sạch cho xã Tân Lập, trung tâm đã tiến hành   lập dự án công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung tại Tân Lập,  sử   dụng nguồn nước thô từ hồ Tà Mon. Tuy nhiên do chi phí đầu tư khá cao   (khoảng 40 tỷ đồng), không cân đối được vốn để đầu tư. Do đó, phải chờ   Chi cục PTNT triển khai nguồn vốn WB (Ngân hàng Thế giới) thì mới giải   quyết được căn bản tình trạng thiếu nước trên địa bàn xã Tân Lập. Nếu   hình thành khu tái định cư Tân Lập theo dự án cao tốc Bắc Nam, thì nguồn   vốn cũng chỉ đủ giải quyết cấp nước cho khu vực này.

Ninh Chinh - Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khổ vì thiếu nước sạch sinh hoạt