Theo dõi trên

Khoan giếng cứu hạn?

08/01/2021, 07:55 - Lượt đọc: 546

BT- Trời nắng nóng, vùng đất Hàm Thuận Nam khá lâu đã thiếu vắng những cơn mưa. Biết được thông tin năm nay có thể bị hạn nặng, bà con trồng thanh long đã đổ xô khoan giếng. Ngặt nỗi, hầu hết các giếng khoan vẫn trơ đáy, khô khốc, chôn vùi bao tiền của và hy vọng…

Ồ ạt khoan giếng

Nhân một chuyến công tác Hàm Thuận Nam mới đây, tôi đi qua vùng trồng thanh long ở thôn Văn Lâm, xã Hàm Mỹ. Chỉ cách TP. Phan Thiết chừng 10 cây số, nhưng tôi lại cảm nhận được sự khác biệt về khí hậu ở vùng đất này. Dọc hai bên tuyến kênh N8 thuộc kênh chính Đông, hồ chứa nước Ba Bàu là bạt ngàn thanh long chong điện bán tết âm lịch. Những trái non đã nhú khỏi cành, đúng như dự tính trước đó của nông dân. Khác chăng, tôi quan sát thấy những đám thanh long này không được sung sức, xanh mởn như thường lệ. Ngược lại, dấu hiệu của cây đang thiếu nước tưới lâu ngày. Tò mò, tôi vào tận một vườn thanh long sát bờ kênh quan sát.

Quả là dấu hiệu của thiếu nước! Nơi tôi đứng xuất hiện những vốc đất đã chai lì, khô cứng. Ngay lòng kênh thủy lợi cũng trơ đáy, trắng bàng bạc, lộ lên những vệt nứt nẻ của lớp bùn trước đó. Phía trên bờ kênh, từng lớp cỏ khô, cành và rễ thanh long phủ kín nhiều đoạn. Một người đàn ông dáng người nhỏ, da ngăm đen đang loay hoay bên một cỗ máy khoan cao chót vót, cồng kềnh ngay trước ngõ. Ông là Nguyễn Văn Dinh, một “lão nông tri điền” ở vùng đất này. Khu rẫy của ông Dinh cách tuyến kênh mấy bước chân.

Trời đã đứng bóng. Dưới cái nắng gay gắt và những cơn gió bấc xào xạc, ông Dinh đầu trần kiểm tra máy khoan vừa được chở đến, dọn dẹp xung quanh góc đất đã được “chỉ định” khoan giếng vào ngày mai. Cách đó không xa, một cái giếng khoan sâu 60 mét đã hoàn thành năm ngoái. Ông Dinh vừa bắt chuyện với chúng tôi, vừa tranh thủ canh chừng bên mô tơ điện. Ông nói, do giếng cạn kiệt, nên chờ 1-2 tiếng đồng hồ mới có thể bơm được 10 phút, nhưng mạch nước chảy rất nhỏ. Nếu để quên, có thể sẽ hư máy bơm. Tiếng rầm rầm của máy móc đang đào ao, khoan giếng của hộ dân bên cạnh giữa trưa nắng tạo nên một không khí khẩn trương, hối hả ở vùng quê.

nh Ngọc Lân

Ông Dinh chia sẻ với chúng tôi, ở làng trên xóm dưới hầu như nhà nào cũng đang tranh thủ thuê dịch vụ khoan giếng. Hiện trên địa bàn thôn Văn Lâm có khoảng 4 máy khoan của tỉnh Đồng Nai đang hoạt động liên tục. Giá khoan giếng được định sẵn từ 300.000 - 350.000 đồng/mét với máy lớn (máy thổi) và 250.000 đồng/mét với máy khoan dùng bằng tay.

Tôi làm quen với chủ máy khoan giếng tên Mười, đang làm dịch vụ ở đây. Khi tôi ngỏ ý hỏi: “liệu có đảm bảo khoan giếng có nước không?”, nhưng ông Mười chỉ cười trừ và nói: “hên xui thôi cô ơi…”. Dù không ai chắc chắn giếng có nước hay không, nhưng việc bà con phải lo lúc này là gom tiền bằng mọi cách để trả tiền dịch vụ, với mong muốn có nước càng sớm càng tốt.

“Xôi hỏng bỏng không”

Khoan giếng, đào ao trữ nước đang là một trong những giải pháp được chính quyền địa phương khuyến khích người dân ngay lúc này. Quy trình để khoan được 1 cái giếng cũng lắm gian nan, tốn kém. Ngay như hộ ông Dinh, trước khi có ý định khoan giếng đã phải mời “thầy phong thủy” về xem mạch nước với giá từ 300.000 - 400.000 đồng/lần, sau đó mới đặt dịch vụ máy khoan. Mỗi giếng khoan, tùy vào độ sâu, sẽ mất khoảng 3 - 5 ngày để hoàn thành.

Ông Dinh đếm ngược đếm xuôi, chỉ tay về ngõ trên, xóm dưới và nhẩm đếm, thời gian gần đây chỉ tính dọc kênh N8 với chiều dài 4 km nhưng đã có khoảng trên 75 giếng khoan được đào. Tuy nhiên, đáng buồn là chỉ có khoảng 30 giếng có nước, còn lại giếng trơ đáy, mà hộ bà Trần Thị Ngọc ở cùng thôn là một ví dụ, khi cả 7 giếng khoan lần lượt đều không thành công. Theo hiểu biết của lão nông Nguyễn Văn Dinh, thì đất ở khu vực này thuộc dạng sạn cốm, chai cứng và nguồn nước ngầm cạn kiệt. Khoan giếng không như mong đợi, khiến nhiều hộ rơi vào cảnh “xôi hỏng bỏng không”. Để lo tiền trả dịch vụ, bà con phải vay mượn ngân hàng, anh em, cuộc sống rơi vào cảnh khó khăn bộn bề.

Đó cũng là hoàn cảnh của bà Phan Thị Hồng ở điểm đầu đập tràn kênh N8. Bà đang rất nóng lòng, thấp thỏm vì 1.000 trụ thanh long đang thiếu nước tưới trầm trọng. Bà Hồng nức nở cho biết, gia đình sinh sống ở đây đã mấy chục năm, nhưng chưa khi nào thấy hạn sớm như năm nay. Trải qua cả mùa mưa nhưng nước chưa đủ thấm đất. Riêng nước thủy lợi thì cuối tháng 10/2020 đến nay đã cắt phiên tưới. Nhìn đám thanh long đang dần héo úa, bà không đành lòng. Cũng giống các hộ trong xóm, gia đình bà Hồng dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm, được 60 triệu đồng để hùn vốn với người hàng xóm khoan 4 giếng nước. Tuy vậy, “lực bất tòng tâm”, khi tất cả giếng khoan đều trơ đáy. Hiện tại, để cứu thanh long, gia đình phải mua ống nhựa, xin nước của một hộ có nước cách đó mấy cây số để dẫn về cứu cây. Lo nhất là khi lứa thanh long dự định bán vào 23 tháng chạp năm nay sẽ ra sao nếu không có nước tưới? Vừa nói, bà Hồng buồn rầu chỉ tay về phía con kênh khô khốc trước cửa nhà cho biết, con kênh này ngay cả mùa mưa cũng không có nước chảy về, huống chi mùa nắng...

Báo động hạn nặng

Có mặt trên tuyến kênh N8, ông Nguyễn Hữu Đạt -  Trưởng trạm phụ trách khu tưới kênh chính bắc của hồ Ba Bàu cảm nhận, đỉnh hạn năm 2016 trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam cũng không gay gắt như năm nay. Ông Đạt chỉ tay dọc tuyến kênh, thông tin: Hồ Ba Bàu có nhiệm vụ tưới hơn 3.000 ha, trong đó đoạn kênh N8 tưới cho 165 ha thanh long và 10 ha lúa. Tuy nhiên, thời điểm này hồ chỉ có 5,41 triệu m3/6,28 triệu m3 dung tích thiết kế. Do hạn nên năm nay lúa đã ngưng sản xuất, còn thanh long cũng đang cầm cự.

Hạn hán, thiếu nước ở Hàm Thuận Nam đã được chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cảnh báo. Đồng thời khuyến cáo bà con không nên chong đèn thanh long, tưới tiết kiệm nước. Nhưng thực tế ở hầu khắp vùng trồng thanh long, nông dân đều đang “canh” chong đèn để bán tết. Nay thiếu nước giữa chừng, nhiều hộ khoan giếng không thành, nên chỉ mong nuôi được chồi non, chờ mùa mưa tới…

Sau khi rời thôn Văn Lâm ít ngày, tôi trở lại gặp ông Dinh. Tôi báo cho ông tin vui về phương án ở hồ Ba Bàu sẽ cấp nước 1 phiên toàn bộ diện tích phục vụ sản xuất từ ngày 4/1 đến ngày 31/3. Riêng nước sinh hoạt sẽ cấp đến cuối tháng 6/2021. Ông Dinh nghe vậy như thở phào. Nhưng ánh mắt ông vẫn trầm buồn, vì lo chuyện nước tưới lâu dài sẽ thế nào, khi giếng khoan ông mới đào xong lại không có nước. Nỗi buồn ấy còn nhân lên, khi gia đình ông vừa bán lứa thanh long hơn 4 tấn với giá 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí vẫn lỗ hơn một nửa. Trước mắt, ông phải lấy tiền bán thanh long để trả tiền công khoan giếng…

Từ thực tế hạn hán xảy ra ngay từ đầu mùa khô, bất chợt, tôi nhớ lại đợt hạn nặng năm 2016 tại tỉnh nói chung và Hàm Thuận Nam nói riêng. Khi đó, người dân cũng đổ xô đi đào ao, khoan giếng. Nhưng do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày càng tăng, cộng thêm diện tích sản xuất thanh long càng nhân rộng thì nguồn nước ngầm cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong sự khó khăn về nguồn nước, không ít người dân đã “trộm nước” sinh hoạt để cứu thanh long. Viễn cảnh đó rất có thể sẽ xảy ra trong năm nay?

Bất giác, tôi lại nhớ đến hình ảnh của bà Phan Thị Hồng với ánh mắt rưng rưng, nhìn cả ngàn trụ thanh long đang “khát nước” mà bất lực. Giữa cái nắng gay gắt buổi trưa đứng bóng, đám mía bà trồng ven kênh N8 cũng trở nên khô khốc, tả tơi, trong tiếng xào xạc của gió bấc. Ngước mắt lên trời, bà chỉ biết cầu mong và hy vọng nguồn nước hiếm hoi từ kênh thủy lợi để cầm cự “gia tài” thanh long đang chết dần, chết mòn vì hạn…

               Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoan giếng cứu hạn?