Theo dõi trên

Khơi dậy lòng dân

26/02/2020, 09:02 - Lượt đọc: 92

BT- Bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp, nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực và nhiều cách làm sáng tạo, đến cuối năm 2019, Bình Thuận có 63 xã (chiếm 65,6%), và vượt 13 xã so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2020.

                
Đường giao thông nông thôn ở xã Thuận Hòa.

Với số xã đạt chuẩn NTM vượt chỉ tiêu được giao, thành quả không chỉ dừng lại ở con số, xây dựng NTM đã thực sự mang lại những bước tiến “nhảy vọt” trong đời sống, xã hội của người dân vùng nông thôn tỉnh. Điều này thấy rõ không những ở các xã khá giả, mà đến nay, nhiều xã khó khăn cũng đã thật sự “lột xác”. Khác với trước đây, cán bộ phải đến từng nhà dân vận động góp tiền làm đường giao thông, nay người dân tự nguyện xin đăng ký đóng góp. Đó là câu chuyện người dân xã Nam Chính (Đức Linh) – xã vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. Cho đến nay, việc xây dựng NTM dường như đã ăn sâu vào máu thịt của cán bộ và nhân dân bởi xã miền núi Nam Chính khó khăn ngày nào nay đã thay đổi một cách diệu kỳ từ sản xuất, sinh hoạt đến đời sống người dân. Cán bộ phụ trách NTM xã Nam Chính chỉ tay phía con đường thôn 3 – tuyến đường đất dài chừng 800 m và nói: “Đây là tuyến đường trục thôn duy nhất của xã chưa được bê tông nên bà con mong đợi lắm. Khi nghe có chủ trương làm đường ai cũng mừng xin đăng ký góp tiền, góp công, bắt tay vào làm ngay”. Toàn xã Nam Chính có 49 tuyến đường trục thôn và liên thôn với chiều dài 29,7 km đều được trải nhựa, đổ bê tông đi lại thuận lợi. Ở các thôn 7, thôn 5 đường bê tông thẳng tắp, từ nhà ra ngoài ngõ người dân nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh và trồng hoa 2 bên đường. Thêm con đường bê tông mới như thêm niềm vui bởi ngõ xóm sạch tinh tươm, trẻ con thỏa thích nô đùa… Điều này cũng dễ hiểu vì sao người dân thôn 3 mong đợi con đường “thay áo mới” đến như vậy.

 Không chỉ hăng hái góp tiền, hiến đất làm đường, người dân một số địa phương trong tỉnh còn trực tiếp thi công, giám sát xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) như ở xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc). Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thuận Hòa cho biết: “Thuận Hòa đã hoàn thành được 10 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài 10 km do Nhà nước và nhân dân cùng làm trong năm 2019. Điểm đặc biệt là người dân tự tổ chức thi công vừa giảm được mức đóng góp của người dân vừa thể hiện tính cộng đồng cao, gắn kết tình làng, nghĩa xóm”. Sau khi Nhà nước hỗ trợ về vật liệu xây dựng, người dân ở xã, các thôn hồ hởi tham gia ngày công, đóng góp tiền để thuê các phương tiện hỗ trợ, trực tiếp tham gia vào việc làm đường. Về Thuận Hòa hôm nay ký ức về con đường lầy lội ngày nào nay đã đi vào lãng quên. Thay vào đó là những con đường bê tông như những dải lụa trắng uốn lượn từ thôn xóm đến tận ruộng lúa, vườn thanh long xanh mướt, đọng lại trong tâm trí…

Từ những câu chuyện ở những xã NTM cho thấy bây giờ, với người dân trong tỉnh, xây dựng NTM từ “yêu cầu” đã trở thành “nhu cầu”, từ “hy vọng” đã trở thành “khát vọng”, từ nhận thức “phải làm” nay “muốn được làm”. Điều quan trọng hơn, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, các địa phương không chỉ dừng lại ở đó mà tiếp tục nâng cấp chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM, nâng cao, kiểu mẫu.

    
      Nhờ phát huy hiệu quả chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm đã tạo   thêm nguồn lực đáng kể, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông,   từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn. Thực hiện đề án phát triển   giao thông nông thôn, đến nay tỉnh đã đầu tư  978 km/3.811 tuyến đường   bê tông xi măng với tổng kinh phí  959 tỷ đồng, trong đó người dân đóng   góp 329 tỷ đồng.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khơi dậy lòng dân