Theo dõi trên

Khơi dậy nội lực để đồng bào thoát nghèo

12/04/2017, 09:24 - Lượt đọc: 78

BT- Thời gian qua, nhờ triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đã tác động tích cực đến nhận thức cũng như đời sống, thu nhập của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

                
Mô hình trồng bắp lai ở xã La Dạ.

 Nhân rộng mô hình giảm nghèo

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐ - TB&XH), số hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh hiện nay đã có bước chuyển về nhận thức, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo thông qua việc tận dụng cơ hội và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế. Năm 2016, kết quả giảm nghèo toàn tỉnh đạt khá tốt, tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra 1,24%. Số hộ thoát nghèo tương đối vững chắc, tỷ lệ giảm nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đạt 6,6%, vượt 2 - 3% chỉ tiêu chương trình đề ra. Có được kết quả trên, có thể thấy trong phong trào giảm nghèo bền vững đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đơn cử, năm 2016 từ nguồn ngân sách tỉnh đầu tư 80 triệu đồng, Sở LĐ-TB&XH phối hợp UBND huyện Hàm Thuận Bắc xây dựng mô hình gà thả vườn tại xã Đông Giang có tỷ lệ hộ nghèo cao (37,31%). Triển khai mô hình có 20 hộ tham gia nuôi 700 con gà. Mô hình thực hiện hiệu quả đã tạo điều kiện cho hộ nghèo tăng thu nhập. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn xã từ 37,31% đầu năm 2016 xuống còn 29,56% vào cuối năm 2016. Đặc biệt, thông qua thực hiện mô hình đã chuyển giao cho các hộ nghèo những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, giúp người nghèo phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo.

Song song đó, các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã triển khai có hiệu quả. Đơn cử, mô hình thâm canh cây lúa nước tại 2 xã Sông Bình (Bắc Bình), Măng Tố (Tánh Linh) và mô hình trồng cây bắp lai tại xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc). Qua triển khai, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất lúa tăng từ 56 tạ/ha lên 63 tạ/ha, thu nhập tăng lên 4,7 triệu đồng/ha. Ngoài ra, có thể kể thêm một số mô hình hiệu quả được nhân rộng trên địa bàn tỉnh như mô hình nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo sinh sản hướng nạc, khai thác cá chình bằng lồng bẫy… Ngoài ra, các hội, đoàn thể đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế giúp nhau thoát nghèo như Hội Nông dân có mô hình VAC, mô hình “Một hộ giàu giúp 2 đến 3 hộ nghèo”. Hội Phụ nữ có mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, mô hình “Tổ tín dụng tiết kiệm”. Hội Cựu chiến binh có mô hình “Mái ấm đồng đội”. Đoàn thanh niên có mô hình “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”… 

Thay đổi nhận thức để thoát nghèo

Việc xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế nông lâm nghiệp có hiệu quả bền vững là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn lực đối với các xã khó khăn. Năm 2016, từ nguồn kinh phí Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo con giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất qua các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Theo Sở LĐ - TB&XH, từ nay đến cuối năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 - 2%. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần tuyên truyền đến các hộ dân để họ ý thức rằng cuộc sống người nghèo chỉ có thể thoát nghèo nếu bản thân họ biết tự nỗ lực vươn lên. Công tác xóa đói giảm nghèo chỉ thật sự bền vững khi bản thân người nghèo tự chủ trong chính việc thoát nghèo của mình.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khơi dậy nội lực để đồng bào thoát nghèo