Theo dõi trên

Khởi sắc Hàm Thạnh anh hùng

02/09/2019, 09:10 - Lượt đọc: 36

 BT- Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, dù phải trải qua sự khắc nghiệt của chiến tranh nhưng người dân vẫn một lòng bám trụ, chiến đấu bảo vệ quê hương. Sau khi đất nước thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hàm Thạnh đã chung sức vượt qua khó khăn, thi đua lao động sản xuất, góp phần tô điểm cho xã anh hùng ngày một thêm khởi sắc.

                
Xã Hàm Thạnh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn    mới vào năm 2020.

 Căn cứ của lòng dân

Là vùng quê mới được hình thành về mặt tổ chức từ năm 1952 nhưng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, Hàm Thạnh đã gắn liền với phong trào cách mạng của huyện Hàm Thuận và tỉnh Bình Thuận kiên cường. Nếu thời kỳ kháng Pháp, Hàm Thạnh là một vùng căn cứ kháng chiến thì trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây vừa là vùng căn cứ kháng chiến của huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận vừa là nơi đứng chân của lực lượng vũ trang Khu 6. So với thời kháng Pháp, trong  cuộc chiến chống Mỹ, Hàm Thạnh là nơi ác liệt bội phần, không lúc nào trên vùng đất này không có tiếng bom cày, đạn xới nhưng vẫn không thể nào xóa được căn cứ Hàm Thạnh - căn cứ của lòng dân.

Dẫu chiến tranh ác liệt nhưng nhân dân Hàm Thạnh vẫn bám trụ, chiến đấu, sản xuất bởi mỗi người dân Hàm Thạnh đều mang trong mình truyền thống quê hương Tam Giác - Hàm Thuận anh hùng ngay từ ngày đầu mới lập xã. Hơn thế, Hàm Thạnh ngày ấy còn là nơi huy động được toàn dân đánh giặc. Người lớn tuổi không chỉ tập trung sản xuất, chở che cho con cháu tránh bom đạn của kẻ thù, mà còn vừa vót chông, đào hầm xây dựng tuyến bố phòng. Nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, người dân căn cứ tồn tại, bám trụ để đánh giặc là nhờ vào hệ thống bố phòng kết hợp với du kích đánh giặc. Hệ thống bố phòng ngày càng vững chãi, cùng người dân đương đầu với sự tàn khốc chiến tranh.

Từ khi Mỹ trực tiếp đưa quân đánh phá huyện Hàm Thuận trong những năm 1967 – 1972, Hàm Thạnh đã có một lớp người sinh ra và lớn lên trong lòng đất. Hầm thay nhà, là nơi che chở chính của nhân dân vùng kháng chiến. Trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, không tránh khỏi những mất mát hy sinh. Ở Hàm Thạnh nhiều gia đình có nhiều người con đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành thắng lợi. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Ớt có 5 người con và vợ hy sinh; bà Đoàn Thị Đậu và bà Nguyễn Thị Bé có 4 người con hy sinh; bà Nguyễn Thị Mức có chồng và người con duy nhất hy sinh vì cách mạng…

 Vững bước tiến lên

Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước đến nay, Đảng bộ và nhân dân xã Hàm Thạnh đã trải qua trên 4 thập kỷ xây dựng và phát triển. Từ năm 1976, Đảng bộ và nhân dân trong xã tập trung khắc phục những khó khăn từ hậu quả chiến tranh để lại và bước đầu xây dựng phương thức làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã từng bước xây dựng quê hương đạt nhiều thành tựu. Những tuyến đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo khó ngày nào.

Là xã thuần nông, trong những năm qua, xã đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho các loại cây trồng. Với tổng diện tích cây lâu năm 3.100 ha, trong đó thanh long là cây trồng chủ lực của xã chiếm 1.762 ha, còn lại một số cây trồng khác như cao su, trôm, mít, xoài. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định và phát triển, các hộ chăn nuôi đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống chuồng trại theo hướng nông nghiệp hiện đại, quy mô, xa khu dân cư và bảo đảm vệ sinh môi trường. Hoạt động văn hóa - thể dục - thể thao có bước phát triển tốt. Các chính sách xã hội cho gia đình thương binh, liệt sĩ và người nghèo được chính quyền quan tâm hỗ trợ kịp thời. “Giờ đây, diện mạo Hàm Thạnh khởi sắc từng ngày, các công trình phục vụ sản xuất dân sinh được đầu tư, nhất là hệ thống kênh, mương nội đồng, Trạm thủy lợi Ba Bàu được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hàm Thạnh Nguyễn Công Lương vui mừng chia sẻ.

Từ năm 2012 đến nay, xã Hàm Thạnh tập trung huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí nông thôn mới, dự kiến cuối năm 2019 đạt thêm 3 tiêu chí, lũy kế 15/19 tiêu chí. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được nhiều nguồn vốn cứng hóa đường giao thông, và nâng cấp các công trình y tế, giáo dục, văn hóa trên địa bàn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất. Đến nay, qua 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của xã không ngừng phát triển, bộ mặt nông thôn tiếp tục được thay đổi, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển mạnh. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên, nhà ở kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều.

Những năm tháng chiến tranh đang lùi vào dĩ vãng nhưng niềm tự hào của người dân Hàm Thạnh về một thời hào hùng thì vẫn còn nguyên vẹn. Tin rằng, trên hành trình đổi mới, phát triển không ngừng của quê hương, đất nước, niềm tự hào ấy sẽ tiếp tục biến thành những hành động thiết thực, toàn Đảng bộ xã sẽ đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, chung sức cùng nhân dân xây dựng và phát triển vùng quê tươi đẹp thêm ấm no, giàu mạnh.

    
    Phấn đấu   đến cuối năm 2020, Hàm Thạnh sẽ về đích nông thôn mới. Để đạt chuẩn nông   thôn mới đúng hẹn, chính quyền và nhân dân xã Hàm Thạnh đang tiếp tục nỗ   lực thực hiện đạt thêm 4 tiêu chí gồm tiêu chí 5 - Trường học; 7 - Cơ sở   hạ tầng thương mại nông thôn; 8 - Thông tin và truyền thông; 18 - Hệ   thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

 THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi sắc Hàm Thạnh anh hùng