Theo dõi trên

 “Khu biệt lập”... trước nguy cơ biển “nuốt”

30/07/2018, 10:35

BT- Gần 2 tháng nay, các hộ dân đoạn cuối bờ kè bảo vệ biển thuộc thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam luôn sống trong thấp thỏm, lo âu tột độ. Nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của người dân nơi đây khi nói về xâm thực của biển đang diễn ra hàng ngày trên mảnh đất họ đang sinh sống...

                
   Hàng ngàn cây dương đã bị cuốn trôi không    dấu vết.

Nguy cơ bị... “nuốt”

Con đường đất nhỏ hẹp, quanh co, đủ mọi ổ voi ổ gà dẫn chúng tôi vào “Khu biệt lập” nơi các hộ dân sinh sống. Gọi là “Khu biệt lập” vì nơi đây chỉ có 5 hộ với 20 khẩu sinh sống nằm lọt thỏm, trước mặt là sông và sau lưng là biển. Ông Đậu Văn Thướng – một trong 5 hộ ở “Khu biệt lập” cho biết, gần 25 năm sinh sống ở đây chưa bao giờ ông trải qua cảm giác hoảng sợ, bàng hoàng như hồi tháng 5 vừa qua. Nhớ lại lúc ấy, sóng to, gió lớn kéo dài nhiều ngày liền khiến nước biển xâm thực vào đất liền rất nhanh đã “ngoạm” hết khoảng 40 m bờ biển. Chưa hết, gần 4 ngàn cây dương chắn sóng gần chục giàn giếng khoan để nuôi tôm của các hộ dân nơi đây cũng bị cuốn trôi. Những ngày cuối tháng 7, mỗi khi có thông tin thời tiết báo mưa, ông Thướng lại mất ăn, mất ngủ vì lo sợ không biết biển sẽ lấn vào nhà lúc nào.

Sống ở khu này lâu nhất, ông Thướng đã chứng kiến và trải qua nhiều lần chạy lụt khi nước lũ từ thượng nguồn Sông Phan đổ về. Nhưng đó là chuyện xảy ra 8 năm về trước. Từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây yên bình, việc nuôi tôm cũng diễn ra suôn sẻ nhờ hàng dương ngăn sóng biển. Vậy mà trong 2 năm nay, sóng yên biển lặng thì không sao, nhưng khi sự cố xảy ra rồi thì nỗi lo toan của ông như tăng lên gấp bội phần. “5 năm trước, tận tay trồng và nhìn thấy sự lớn lên của hàng ngàn cây dương ngăn sóng biển, tụi tui vui lắm. Vậy mà nay chỉ trong phút chốc đã bị biển xâm thực cuốn trôi sạch sẽ”- Nhớ lại thời điểm ấy ông vẫn chưa thôi tiếc nuối khi tận mắt chứng kiến công sức của ông và hàng xóm đổ ra biển lớn. Tuy nhiên, điều ông và nhiều hộ dân nơi đây hoang mang và lo lắng nhất là bây giờ, sóng biển đang dần tiến sát vào hàng chục hồ tôm và nhà ở cách đó chỉ khoảng 100m. “Vợ chồng tôi ra đây dựng nhà ở làm ăn sinh sống và gắn bó với nghề nuôi tôm được hơn 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ thấy sóng biển xâm thực mạnh vào bờ như vậy. Biển xâm thực không chỉ nuốt một phần rừng dương người dân đã trồng nhiều năm trước đó, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi tôm. Hơn hết, bây giờ nhà tụi tôi đã cận kề biển rồi nên rất sợ”- ông Thướng nói trong hoang mang.

Quan sát tại khu vực bị biển xâm thực, gần chục giếng khoan lấy nước nuôi tôm đã bị sóng biển cuốn giờ chỉ còn vài ống dẫn nước trơ trọi, máy móc thiết bị nuôi tôm đã vỡ tan hoang trôi ra biển. Cách đó khoảng 30m là hàng chục hồ tôm của người dân nằm chơ vơ bên mép biển và có nguy cơ bị “nuốt chửng” bất cứ lúc nào.  

Nguyện vọng di dời

Ông Thướng bức xúc cho rằng, nguyên nhân là do Dự án kè bảo vệ biển xã Tân Thuận đang hoàn thành đã làm thay đổi dòng chảy. “Theo tôi nghĩ do kè biển mà ra. Bởi vì từ khi sống ở đây, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh biển xâm thực mạnh như thời gian này” - ông nói trong bức xúc. Không chỉ vậy, ông Thướng còn buồn rầu hơn vì từ đầu năm đến nay, gia đình ông có 1 ha diện tích nuôi tôm thì ông chỉ dám nuôi 2 sào cầm chừng. Bởi nhà ông chỉ có một giếng khoan tích nước nuôi tôm đã bị sóng biển cuốn trôi. Số tiền đầu tư mỗi giếng cũng khoảng 40 triệu đồng. Chính vì vậy, ông không dám mạo hiểm vì lo biển sẽ cuốn mất tất cả, tiền bạc thì vay mượn lại thêm gánh nặng. Ông dự đoán nếu tình hình như vậy chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi khu nuôi trồng thủy sản nơi đây sẽ bị xóa sổ. Hơn hết, mùa mưa bão đã đến, với tốc độ xâm thực nhanh chóng như hiện nay thì việc nước biển xâm thực và cuốn trôi nhà là hoàn toàn có thể xảy ra. “Tụi tui có nguyện vọng được Nhà nước quan tâm bố trí tái định cư ở Khu tái định cư Láng Giang để sớm “an cư, lạc nghiệp”,- ông Thướng mong muốn.

Đề cập chuyện này với Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Cao Xuân Linh, ông xác nhận 5 hộ dân đoạn cuối bờ kè của thôn Thanh Phong hiện đang đối mặt với tình trạng biển xâm thực, có nguy cơ bị ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. Theo ông Linh, có một số ý kiến cho rằng nguyên nhân bị biển xâm thực là do Dự án kè bảo vệ biển đang được xây dựng tại thôn Thanh Phong là không đúng. Về phía xã cho rằng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên khu vực này phải gánh chịu tác động của triều cường dẫn đến tình trạng trên. Nói thêm về Dự án đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ biển xã Tân Thuận, ông Linh cho biết: Tân Thuận có chiều dài vùng biển thôn Thanh Phong khoảng 2  km. Hiện nay kè biển xây dựng ở hướng Đông khoảng 800m.  Sau khi dự án hoàn thành sẽ bảo vệ 300 hộ dân ven biển thôn Thanh Phong và công trình nuôi trồng thủy sản, đồng muối của xã. “Với nguyện vọng của các hộ được bố trí tái định cư ở Khu tái định cư Láng Giang, trước mắt chúng tôi đang kiến nghị với huyện để sớm có phương án di dời 5 hộ dân vào Khu tái định cư Láng Giang. Nếu được di dời vào nơi ở mới, tùy theo nguyện vọng của bà con, chính quyền sẽ tính toán để định hướng về công ăn việc làm, giúp người dân ổn định cuộc sống” - ông Linh nói.

Mang theo tâm tư nguyện vọng của người dân, đến gặp đại diện lãnh đạo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ban quản lý Dự án nói rằng, công trình Khu tái định cư Láng Giang, xã Tân Thuận đầu tư xây dựng với mục tiêu là ổn định chỗ ở cho các hộ dân di cư tự do và các hộ dân bị sạt lở tại khu vực hai bên bờ sông Phan. Nếu như đồng ý cho 5 hộ dân trên di dời vào Khu tái định cư Láng Giang thì không đúng với mục tiêu của dự án. Tuy nhiên, trước tình trạng 5 hộ dân này đang có nguy cơ bị ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản do bị biển xâm thực, Chi cục đã phối hợp với UBND xã Tân Thuận và UBND huyện Hàm Thuận Nam trình ngành chức năng điều chỉnh mục tiêu dự án khu tái định cư Láng Giang, trong đó bổ sung 5 hộ dân vào qui trinh di dân.

Hiện tượng biển xâm thực ở khu vực phía Tây xã Tân Thuận diễn ra khoảng 2 năm nay, nhưng diễn biến phức tạp, khó lường là trong những tháng đầu năm 2018. Hiện ngành chức năng đã kịp lập hồ sơ bổ sung. Dự kiến vào đầu quý 4/2018, sẽ tiến hành giao đất cho 5 hộ dân trên.

Phóng sự củaThu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Khu biệt lập”... trước nguy cơ biển “nuốt”