Theo dõi trên

Kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường:  Hướng dẫn xả thải vào nguồn nước cho phù hợp thực tế ở Bình Thuận

30/05/2017, 09:22

Nước thải sau xử lý tự thấm

BT - Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) cho hay, thời gian qua, sở này đã thẩm định, tham mưu UBND tỉnh cấp 13 giấy phép trong lĩnh vực xả nước thải vào nguồn nước cho lĩnh vực: kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó có 5 cơ sở du lịch ven biển được cấp giấy phép này, với nguồn tiếp nhận nước biển; trong khi thực tế cơ sở du lịch ven biển hoạt động khá nhiều. Ở khu vực ven biển huyện Hàm Thuận Nam, mới có 3 cơ sở du lịch có giấy phép này (Sài Gòn- Suối Nhum, Việt Pháp, Bàu Mai). Ông Thái nhìn nhận: “Vẫn còn một số cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định xả thải vào nguồn nước, như giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hết thời hạn (tương đương hành vi không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước) nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp phép mới; xả nước thải vào nguồn nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép”. Do vậy, qua phối hợp kiểm tra hơn 170 lượt cơ sở kinh doanh du lịch ven biển, sở đã xử phạt hành chính 11 cơ sở chưa có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước… Thực tế, ở các khu vực ven biển tỉnh ta, nhiều cơ sở du lịch, chế biến hải sản xử lý nước thải qua lắng lọc, hố gas tự thấm dưới đất, hoặc tái sử dụng tưới cây trồng. Ngay như resort Sài Gòn - Suối Nhum có giấy phép xả nước thải qua xử lý vào nguồn nước biển, nhưng vẫn sử dụng tưới cây.

         
      

   

         Nhiều khu du lịch đang gặp khó khăn    với nước thải sau xử lý.

Trong khi đó, tại Công văn số 782/TNN-BVTNN, Bộ TN & MT đã có ý kiến: “Việc cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước dưới đất là trái quy định pháp luật về tài nguyên nước (theo quy định  tại Khoản 3 Điều 9 Luật Tài nguyên nước). Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở TN & MT tiếp tục thực hiện các biện pháp theo tinh thần Công văn số 782  và báo cáo UBND tỉnh, Cục Quản lý tài nguyên nước kết quả thực hiện. Như vậy, theo quy định của Luật Tài nguyên nước, ý kiến hướng dẫn của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN & MT thì các tổ chức, cá nhân phải xả nước thải sau xử lý vào nguồn nước mặt như sông, suối hoặc nước biển. Việc xả nước thải (đã qua xử lý đạt quy chuẩn quốc gia) vào lòng đất thông qua hình thức tự thấm như hiện nay của các cơ sở du lịch là hành vi bị nghiêm cấm.

Trong diễn biến liên quan, Cục Quản lý tài nguyên nước yêu cầu Sở TN & MT Bình Thuận “dừng việc cấp phép xả thải vào nguồn nước dưới đất và có biện pháp thu hồi các giấy phép xả nước thải vào nguồn nước dưới đất đã cấp; rà soát và yêu cầu các tổ chức, cá nhân chấm dứt xả nước thải vào tầng chứa nước duới đất dưới mọi hình thức; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có biện pháp chuyển nước thải đã xử lý vào nguồn nước mặt sông, suối hoặc nước biển”.

Kiến nghị phù hợp thực tế

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã làm việc với Sở TN & MT về tình hình xả nước thải của các cơ sở du lịch, ông Đỗ Văn Thái phát biểu nêu rõ: Triển khai ý kiến Cục Tài nguyên nước tại Công văn số 782 ở tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, nhất là khu vực tập trung cơ sở du lịch ven biển. Lý do, đa số các cơ sở khu vực này không có nguồn nước mặt chảy qua; nếu thực hiện đúng quy định thì nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn được xả trực tiếp ra biển. Điều này dẫn đến đồng loạt hàng trăm cơ sở du lịch ở Hàm Tiến - Mũi Né, Tiến Thành (Phan Thiết), Tân Thành - Thuận Quý (Hàm Thuận Nam)… xả nước thải trực tiếp ra biển, gây mất mỹ quan, gây phản cảm cho khách du khách trong, ngoài nước đang nghỉ dưỡng ở đây. Ngoài ra, đối với các cơ sở nằm phía đồi ven đường Nguyễn Đình Chiểu, ĐT 719 còn gặp thêm khó khăn như: lựa chọn phương thức, vị trí xả nước thải ra biển khi tuyến thoát nước đi ngang khu vực đất của dân, đất nhà nước quản lý; xin phép cấp thẩm quyền cho thi công đường ống thoát băng qua đường. Bởi thực tế bất cập này, cùng với hệ thống xử lý nước thải tập trung phục vụ các cơ sở du lịch ven biển theo quy hoạch chưa được tỉnh đầu tư xây dựng đồng bộ, Sở TN & MT kiến nghị Bộ TN & MT giao Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra tại Bình Thuận, thống nhất hướng dẫn việc xả thải vào nguồn nước cho phù hợp thực tế. Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ nêu kiến nghị tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV lần này xem xét, sửa đổi: “Khoản 3 Điều 9 Luật Tài nguyên nước”, phù hợp với doanh nghiệp thực hiện tại Bình Thuận. 

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường:  Hướng dẫn xả thải vào nguồn nước cho phù hợp thực tế ở Bình Thuận