Theo dõi trên

Lan tỏa mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn

19/12/2017, 08:43

BT- Chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn có mục đích cuối cùng là tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm. Sản phẩm tham gia chuỗi được kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, đến khâu vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm.

                
Chuỗi cung ứng sản phẩm mủ trôm an toàn với    sản lượng 40 tấn/năm.

Chương trình được khởi đầu tại tỉnh từ năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản xây dựng mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm nước mắm an toàn với sản lượng 300.000 lít. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiên Hồng là cơ sở chế biến, đóng gói và tiêu thụ. Tham gia chuỗi có 43 cơ sở gồm: 32 tàu cá cung cấp nguyên liệu, 1 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh muối, 4 doanh nghiệp cung cấp nước mắm, 2 doanh nghiệp chế biến, đóng gói và 4 doanh nghiệp phân phối tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện mô hình, chi cục đã cùng các cơ sở thực hiện kiểm soát từ khâu cung cấp nguyên liệu thủy sản trên tàu cá, cung cấp muối, sơ chế, chế biến đến khâu đóng chai đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở các khâu: thiết lập, áp dụng chương trình quản lý chất lượng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi, lấy mẫu kiểm soát… Đến tháng 3/2017, toàn tỉnh đã xây dựng được 3 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với nước mắm. Sản lượng nước mắm và nước chấm có nguồn gốc được kiểm soát đạt 5,7 triệu lít/năm thực hiện tại các doanh nghiệp trung tâm mô hình: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thiên Hồng, Công ty cổ phần thực phẩm Hồng Phú và Công ty TNHH TM-SX nước mắm Kim Ngư.

Từ sự thành công ban đầu của chuỗi cung ứng sản phẩm nước mắm an toàn, hiện toàn tỉnh đã có 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: 2 chuỗi thanh long với sản lượng 6.000 tấn/năm; 1 chuỗi mủ trôm sản lượng 40 tấn/năm; 3 chuỗi nước mắm: sản lượng 5,7 triệu lít/năm; 2 chuỗi thủy sản đông lạnh, sản lượng 21.883 tấn; 3 mô hình sản phẩm thủy sản khô, sản lượng 827,9 tấn/năm. Đã cấp 11 giấy xác nhận cho 9 điểm bày bán với 162 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hỗ trợ 4 doanh nghiệp và 1 cơ sở sơ chế, bao gói rau an toàn thực hiện dán tem điện tử cho các sản phẩm: thủy sản khô, thủy sản khô ăn liền, mủ trôm, rau an toàn. Người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh. Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ kết nối, hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và  6 doanh nghiệp nông sản trên địa bàn tỉnh gồm thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp thủy sản, thanh long, hạt điều. Theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh: “Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 của tỉnh có ít nhất 50% sản lượng nông, thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi”.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Kiều, việc thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn  trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít so yêu cầu và cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, Bình Thuận “bắt tay” với TP. Hồ Chí Minh ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, mở ra cơ hội tiêu thụ thực phẩm sạch của tỉnh. Trước mắt, khoảng 100 tấn thủy sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh mỗi tháng. Sau thủy sản, hai bên cùng phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm chất lượng chủ lực, lợi thế của tỉnh như thanh long và các loại nông sản khác. Chương trình hợp tác sẽ từng bước nâng thị phần, sản lượng nông - thủy sản an toàn của tỉnh tiêu thụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Các cơ sở sản xuất nông, thủy sản trong tỉnh có thêm cơ hội xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm an toàn vào thị trường nội địa nhiều tiềm năng này.

    
    Chương   trình chuỗi cung ứng thực phẩm giúp người tiêu dùng có cơ hội sử dụng   hàng nông - lâm - thủy sản chất lượng. Để chương trình tiếp tục duy trì,   tuy nhiên để mở rộng và phát triển bền vững cần có sự liên kết giữa nông   dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng các chuỗi giá   trị.

C.Tường



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tài sản trí tuệ hỗ trợ nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Sở hữu trí tuệ gắn với mục tiêu phát triển bền vững bằng sự đổi mới và sáng tạo là chủ đề hội nghị được Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) tổ chức trung tuần tháng tư, hưởng ứng chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024 là “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới sáng tạo”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan tỏa mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn