Theo dõi trên

Lao động tự do “phập phồng” nỗi lo

22/08/2017, 08:37 - Lượt đọc: 23

BT- Đa số người lao động chân tay thường thu nhập thấp, không ổn định, đối mặt với nhiều rủi ro tai nạn lao động. Bên cạnh đó, những người lao động này không tham gia bảo hiểm (BH) y tế, BH tai nạn lao động sẽ bị thiệt thòi khi xảy ra ốm đau, tai nạn ập đến.

                
Người lao động tự do làm việc tại cảng cá    Cồn Chà (Phan Thiết).

Vất vả và thiệt thòi

Anh Trần Văn Bé (phường Phú Tài  - TP. Phan Thiết) cho biết: Anh làm nghề thợ hồ, mỗi ngày được 200.000 đồng. Nhưng khi mùa mưa đến, anh gần như thất nghiệp. Vợ anh phụ rửa chén bát cho quán ăn được 100.000 đồng/ ngày. Cả gia đình 5 người sống trong căn phòng trọ 24m2. Đầu năm nay, anh bất cẩn khi đứng trên giàn giáo và té gãy chân, phải điều trị dài ngày. Khi làm thủ tục nhập viện mới hối tiếc vì không có BHYT, chi phí khám chữa bệnh rất cao. Vợ anh phải vay nóng để trả viện phí.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Bé là chị Nguyễn Thanh H. làm nghề bốc cá từ thuyền lên bờ tại cảng cá Cồn Chà (Phan Thiết) gần 10 năm nay, sống cùng 3 đứa con trong phòng trọ. Từ khi người chồng mất vì bệnh, gánh nặng kinh tế của gia đình và 3 đứa con nhỏ do một mình chị gánh vác, nhưng chị cũng không tham gia bất cứ loại bảo hiểm nào. Chị cho rằng chưa từng biết đến một ngày nghỉ, hết cá chuyển sang làm phụ hồ. Lo cái ăn, cái mặc, chuyện học hành cho 3 đứa con là quá chật vật, nên không có khoản tiền dư mua bảo hiểm.

Theo ông Phan Tấn Học (Đội phó Nghiệp đoàn Bốc xếp cảng Phan Thiết), nghiệp đoàn có 36 đoàn viên được hỗ trợ BH tai nạn lao động, chứ không có BHYT. Nghề bốc vác khá vất vả, dễ xảy ra tai nạn lao động, nhưng mức thu nhập không ổn định (50.000 – 200.000 đồng/ngày). Nếu xảy ra bất trắc điều trị dài ngày, anh em không có BHYT càng khổ hơn. Với người lao động thu nhập thấp, không thể chi khoảng 2 triệu đồng/năm/hộ (4 người) để mua BHYT. Vì thế, anh em cũng mong được tham gia BHYT theo nghiệp đoàn. 

Cần chính sách hỗ trợ

Hầu hết người lao động tay chân tự do như bốc vác, bán hàng, thợ hồ không nghề nghiệp ổn định, không bằng cấp, với thu nhập thấp, tiền công được trả theo giờ hoặc ngày. Vì thế người lao động càng cố giảm chi phí phát sinh trong gia đình, nên khó mua các loại BH. Và không tham gia BHYT, BH tai nạn lao động là tình trạng phổ biến hiện nay. Khi bị ốm đau hoặc gặp tai nạn, người lao động mới thấm thía sự thiệt thòi. Bên cạnh đó, người lao động tự do làm trong môi trường tanh hôi, độ cao nguy hiểm, khuân vác nặng nhọc nhưng ít khi đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ lao động lại không có thỏa thuận nào về bồi thường thiệt hại khi tai nạn xảy ra. Đáng chú ý, người làm thợ hồ, phụ hồ gần như không được tập huấn kiến thức cơ bản về an toàn lao động và không được chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động. Khi sự cố xảy ra thì việc khắc phục hậu quả tùy vào lòng hảo tâm của chủ sử dụng lao động.

Thiết nghĩ, người lao động tự do cần có chính sách hỗ trợ, biện pháp bảo vệ hoặc tổ chức nghiệp đoàn đại diện quyền lợi cho người lao động, tạo điều kiện để họ tham gia các loại hình bảo hiểm. Đồng thời, tập huấn  kiến thức về pháp luật lao động, vệ sinh an toàn lao động... khi tham gia quan hệ lao động.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lao động tự do “phập phồng” nỗi lo