Lim xanh ở rừng Sông Móng – Ca P
Lim xanh ở
rừng Sông Móng – Ca Pét
BTO- Rừng
phòng hộ Sông Móng – Ca Pét rộng 20.778 ha, trải dài trên địa bàn 4 xã gồm: Mỹ
Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh và Tân Lập thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Đây không chỉ là
cánh rừng được đánh giá ít bị tác động nhất, mà ở Sông Móng – Ca Pét vẫn còn
hàng ngàn cây lim xanh nhiều năm tuổi sừng sững với những tán cao đẹp mê mẩn.
Chúng tôi đã theo chân Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét để tham quan
cánh rừng lim xanh độc đáo này.

Theo ông
Nguyễn Văn Trinh, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét, cánh rừng
này gần như chưa bị tác động, vẫn còn giữ nguyên hiện trạng như rừng nguyên
sinh. Ngoài những cây rừng đặc thù như: căm xe, bằng lăng, giáng hương, gõ đỏ,
sao, dầu, sến… rừng Ca Pét còn có hàng ngàn cây lim xanh quý giá. Mỗi cây lim
xanh trên 100 năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Sở dĩ còn
nguyên vẹn như vậy, là do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét thực hiện
tốt công tác tuần tra, bảo vệ tài nguyên rừng trong lâm phận được giao. Đặc biệt
là công tác phối kết hợp giữa lực lượng kiểm lâm, UBND xã và đơn vị giáp ranh tổ
chức tuần tra, thực hiện truy quét tại các điểm nóng phá rừng như Tân Lập, Hàm
Cần, Mỹ Thạnh, đôn đốc nhắc nhở các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tăng cường tuần
tra, kiểm tra rừng. Kiên quyết xử lý các trường hợp chặt phá cây rừng, xâm lấn,
chiếm đất rừng làm rẫy; phá bỏ cây trồng xuống giống trái phép trên lâm phận
quản lý theo đúng trình tự, ngăn ngừa lây lan.

Công tác
giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh nhằm tạo thu nhập
cho các hộ dân thông qua hoạt động giữ rừng, tạo mối quan hệ gắn bó giữa lực
lượng bảo vệ rừng và nhân dân địa phương, góp phần ngăn chặn tình trạng phá rừng
trên lâm phận quản lý. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ nhận khoán tại xã Mỹ Thạnh
còn lơ là trong công tác tuần tra rừng, để tình trạng khai thác gỗ trái phép xảy
ra trên diện tích nhận khoán, không phát hiện ngăn chặn hoặc báo cáo kịp thời
cho lực lượng bảo vệ rừng…
Tô Long